Ảnh minh họa.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2024, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu hoàn thành trước một năm so với kế hoạch; có khoảng 35 - 40% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đặt ra, thành phố đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội triển khai mô hình nhà máy thông minh; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.
Thành phố sẽ giao các sở, ngành tổ chức 2 hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2024, có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan,...), tạo môi trường tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện...
Đồng thời, thành phố hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ISO: 45001:2018) cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm.
Thanh Hiền - Hà Nội mới