Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử

01/12/2020 10:28

Kinhte&Xahoi Để làm tốt hơn nữa công tác chống hàng giả, ngoài vấn đề hành lang pháp lý, chế tài đủ sức răn đe thì vai trò quan trọng thuộc về cộng đồng. Bởi vẫn còn người tiêu dùng chủ động tiêu dùng hàng giả, hàng nhái thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để “sống”.

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), liên tục trong 5 năm qua thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt mức tăng trưởng trên 25%, là động lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự bùng nổ của TMĐT cũng kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng liên tục phát hiện hàng giả, hàng cấm và hàng vi phạm bản quyền trên môi trường trực tuyến.

Không chỉ riêng đồng hồ Rolex, nhiều hãng đồng hồ khác cũng có mức bán "rẻ như cho" khiến người tiêu dùng hoang mang. 

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mua sắm thông qua TMĐT ngày càng được ưa chuộng. Tuy vậy, hàng giả, hàng nhái vẫn khó kiểm soát, ngăn chặn.

“Kinh doanh hàng giả trên môi trường TMĐT tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường TMĐT là những mặt hàng có giá trị cao, do nước ngoài sản xuất”, bà Huyền cho biết.

Cũng theo bà Huyền, việc ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT hiện nay còn nhiều vướng mắc, bởi phương thức bán hàng ngày càng tinh vi, người bán thường hay phân nhỏ hàng hóa, chỉ có hàng online mà không có hàng vật lý… nên khó bị phát hiện.

"Một đồng hồ Rolex có giá trị hàng trăm triệu đồng, nhưng trên môi trường mạng vẫn có những đồng hồ Rolex giả với giá vài triệu đồng, đó là ví dụ điển hình cho hàng giả trên môi trường TMĐT", bà Huyền nhấn mạnh.

Các đối tượng kinh doanh hàng giả còn có hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc đặt tên miền, giao diện webiste, đăng tải hình ảnh sản phẩm nhái các trang bán sản thật. “Website thương mại điện tử của sàn Lazada.vn cũng bị làm nhái, với tên gọi, màu sắc, giao diện khá giống trang Lazada.vn thật”, bà Minh Huyền cho hay.

Nguy hiểm hơn khi qua theo dõi, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn phát hiện một số website trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như youtube.vn; bmw.com.vn; subway.com.vn… Một số tên miền tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ như intelt.vn; kodark.com; panasonica.com… hay tên miền chứa đựng nhãn hiệu đã được bảo hộ và từ mô tả liên quan như laptopdell.com; macsaigon.vn; daunhotshell.com.vn… Nếu truy cập vào những trang này, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó theo bà Huyền, trên môi trường TMĐT còn xuất hiện hiện tượng giả mạo thông qua hình thức quảng cáo trực tuyến (các đối tượng lợi dụng hình ảnh của những KOL/người nổi tiếng để quảng cáo và bán hàng giả).

Ngoài ra, hàng giả liên quan đến vi phạm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giả mạo tem nhãn, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bản quyền tác giả cũng khá phổ biến, nhất là đối với các mặt hàng giày dép, thực phẩm chức năng, điện thoại thông minh…

Để làm tốt hơn nữa công tác chống hàng giả, hàng nhái, các chuyên gia nhận định, ngoài vấn đề hành lang pháp lý, chế tài đủ sức răn đe thì vai trò quan trọng thuộc về cộng đồng. Bởi vẫn còn người tiêu dùng chủ động tiêu dùng hàng giả, hàng nhái thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để “sống”.

 Phương Mai - Theo Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://vietq.vn/ngan-chan-hang-gia-hang-nhai-tren-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-d181220.html