Khó khăn tài chính
Theo báo cáo tài chính, doanh thu quý I/2019 của Xuân Mai Corp ở mảng xây lắp tăng 5,2 lần so với cùng kỳ 2018, doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ tăng 149%, ngược lại ở mảng kinh doanh bất động sản lại giảm mạnh hơn 50%, chỉ còn gần 85 tỷ đồng.
Số liệu kinh doanh quý I/2019 của Xuân Mai. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019)
Dù biểu đồ doanh thu tăng trưởng nhưng gánh nặng từ chi phí lãi vay cùng chi phí quản lý doanh nghiệp “bào mòn” hết lợi nhuận của công ty, khiến doanh nghiệp này báo lỗ gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, “đáng mừng” là số lỗ của quý I/2019 vẫn giảm so với con số 23 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, Xuân Mai Corp dự kiến doanh thu đạt 3.957 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 180 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay, dù đã hết quý I/2019, công ty này mới chỉ thực hiện được vỏn vẹn 8% mục tiêu doanh thu và còn cách quá xa con số mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Xuân Mai Corp đạt 4.459 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp lên tới 2.401 tỷ đồng, chiếm gần 54% tổng nguồn vốn.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019.
Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp này còn phải trích gần 93 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Ngoài ra, Xuân Mai Corp còn có một khoản phải thu dài hạn cùng ngắn hạn rất lớn ở Công ty CP Sản xuất bao bì và Hàng xuất khẩu với số tiền lên tới 722 tỷ đồng.
Số hàng tồn kho của Xuân Mai Corp ở quý I/2019 là hơn 743 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 651 tỷ đồng còn đang “bỏ ngỏ” không được thuyết minh chi tiết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có 79 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang dài hạn. Tại thời điểm ngày 31/3/2019, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai đang có khoản đầu tư 258 tỷ đồng vào 5 công ty liên doanh, liên kết cùng gần 157 tỷ đồng vào 3 đơn vị khác.
Đáng lưu ý phải kể đến Công ty CP Bê tông Xuân Mai miền Nam đã phải trích lập dự phòng toàn bộ số tiền đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Xuân Mai Đà Nẵng và Công ty CP Du lịch Khách sạn Suối Mơ cũng phải trích lập dự phòng toàn bộ lần lượt 24,5 tỷ và hơn 1,8 tỷ đồng tiền đầu tư. Đến hết quý I năm nay, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Xuân Mai Corp tại các ngân hàng là 1.292 tỷ đồng cùng với khoản nợ vay bằng trái phiếu 1.000 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10%/năm).
Theo số liệu trên, nợ đi vay của doanh nghiệp này đã gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Việc đẩy mạnh vay nợ khiến chi phí lãi vay trong quý I/2019 của Xuân Mai Corp lên tới 48 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Xuân Mai Corp có các hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, kinh doanh phát triển nhà. Doanh nghiệp này từng niêm yết trên sàn Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 20/12/2007. Tuy nhiên, tới ngày 12/11/2013 Xuân Mai Corp lại bất ngờ xin hủy niêm yết để tái cấu trúc. Mới đây, vào cuối tháng 3/2019, HNX lại chấp thuận cho Xuân Mai được đăng ký giao dịch gần 55 triệu cổ phiếu trên UPCoM.
“Lách luật” huy động vốn
Tình hình tài chính hiện tại với muôn vàng khó khăn, Xuân Mai Corp đang cố tìm mọi cách để “xoay sở”.
Tại dự án Eco Green Sài Gòn, dù đang thi công phần móng nhưng chủ đầu tư Xuân Mai Corp đã ồ ạt nhận tiền từ khách hàng.
Dự án khu dân cư Tân Thuận Tây được Xuân Mai Corp lấy tên thương mại là Eco Green Sài Gòn, tọa lạc tại Nguyễn Văn Linh, Phường Tân Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh với tổng diện tích 14,36 ha, gồm 7 tòa tháp A, B, C, D, E, F, G trong đó tháp D và E dù đang thi công phần móng.
Xuân Mai Corp có dấu hiệu huy động vốn tại dự án Eco Green Sài Gòn.
Theo ghi nhận thực tế của PV, hiện tại tòa tháp A, B đã thi công tới tầng 16 và đã bán gần hết sản phẩm 2block này, tòa tháp C,D tiến độ đang xây dựng tầng 2, tòa tháp E, F hiện đang thi công hạng mục ngầm chưa xong phần móng nhưng chủ đầu tư đã “bắt tay” cùng các sàn phân phối nhận tiền từ khách hàng dưới hình thức nhận đặt cọc giữ vị trí ưu tiên với số tiền 50 triệu/ suất.
Nhìn nhận thực tế vào thị trường bất động sản tại TP.HCM trong thời gian vừa qua, có rất nhiều chủ đầu tư đã sử dụng “chiêu trò” đặt cọc,giữ chỗ huy động vốn của khách hàng nhằm mục đích hoàn thiện công trình hoặc để xoay vòng vốn đầu tư vào dự án khác làm trì trệ quá trình bàn giao nhà như dự kiến.
Vấn đề này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng,có thể bị chủ đầu tư ôm tiền bỏ chạy hoặc dự án đang thi công giữa chừng rồi dừng lại vì không có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Khách hàng cần cẩn trọng với chiêu trò này khi mà Xuân Mai Corp đang trong “vòng vây” nợ.
Theo GĐ&PL