Vừa qua, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc nhiều sản phẩm bày bán ở Nhà sách ADC Book tại 4 cơ sở ở Hà Nội (17T2-17T3 Hoàng Đạo Thúy - Cầu Giấy; 135A Trần Phú - Hà Đông; CT4A Bắc Linh Đàm - Hoàng Mai; CT1A - Mỹ Đình 2 - Hàm Nghi) được cho là hàng nhập khẩu, nhưng lại không rõ nhập khẩu bởi công ty nào và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Một cơ sở của Nhà sách ADC Book
Để xác minh thông tin bạn đọc, PV đã tìm đến 4 trong 10 cơ sở của Nhà sách ADC Book tại Hà Nội. PV nhận thấy rất nhiều các sản phẩm được bày bán công khai như: Đồ trang trí, miếng dán sticker, vòng cổ, đồ chơi điện tử, xe motor, xe đua, logo lắp ráp, đồ chơi búp bê, kính mắt bơi cho trẻ, gấu bông, phấn viết, thước kẻ, keo dán, và rất nhiều đồ dùng học tập khác... tất cả các sản phẩm trên đều có điểm chung là không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, thậm chí có sản phẩm như đèn xông hơi, keo dán, máy dập khuôn… còn không có tên và giá của sản phẩm. Các sản phẩm trên được cho là hàng nhập khẩu với các dòng chữ bằng tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… được bày bán công khai tại các quầy tại 4 cơ sở của nhà sách mà không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Trong vai người mua hàng, PV thắc mắc với nhân viên tại quầy về 1 loại hộp đồ chơi có dạng keo được bày bán tại cơ sở 135A Trần Phú - Hà Đông, vỏ sản phẩm có các dòng chữ của Hàn Quốc, nhưng không hề có bất cứ thông tin nào của nhà nhập khẩu cũng như tem phụ bằng tiếng Việt, không dịch được tiếng trên vỏ hộp. Nữ nhân viên này cũng loay hoay một lúc rồi trả lời: “Đây là dạng gel tạo khối hay sao ấy chị ạ”, lúc sau do chưa chắc chắn câu trả lời của mình, nhân viên lại ra quầy bán kiểm tra rồi trả lời thêm: “Là gel tạo khối, chắc để làm quà trang trí thôi chị ạ”. Khi hỏi về công ty nhập khẩu, nữ nhân viên này cũng không biết từ công ty nào, chỉ biết là của Hàn Quốc vì có chữ Hàn.
Dạo quanh một vòng nhà sách, PV thấy rất nhiều các cháu nhỏ vào đây mua đồ chơi cũng như các thiết bị đồ dùng học tập. Tiếp cận một em nhỏ tại quầy đồ trang trí sticker, khi được hỏi "Đây là sản phẩm gì?" thì em nhỏ nói: “Là đồ dập sao đấy ạ, là con dấu dập vào vở với các hình thù”. Còn khi hỏi: "Tại sao cháu biết thông tin về sản phẩm?" thì cháu bé chỉ cười và giải thích là: "Nhìn sản phẩm đoán cách dùng thôi, chứ cháu không thể đọc được các chữ trên này".
Rõ ràng, việc bán các sản phẩm nhập khẩu không có dán nhãn phụ gây hoang mang cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng không nắm được nguồn gốc sản phẩm từ đâu; không hiểu rõ về thành phần, công dụng của sản phẩm như thế nào. Như vậy việc Nhà sách ACD Book đang bày bán những sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, liệu có đang lừa dối người tiêu dùng để cung cấp những dòng sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả hàng nhái kém chất lượng hay không?
Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã liên hệ và đặt lịch làm việc với Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội. Sau khi báo chí phản ánh, với vi phạm của Nhà sách ACD Book, Cục QLTT chỉ đạo cho Đội QLTT số 17 thực hiện rà soát, xác minh, kiểm tra. Qua kiểm tra, đúng như báo chí đã phản ánh, một số mặt hàng do nước ngoài sản xuất, đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 17 Hà Nội đã lập biên bản xử phạt hành chính, phạt tiền 8.500.000 đồng đối với vi phạm của Nhà sách ACD Book. Tuy nhiên, với số lượng hàng hóa vi phạm rất nhiều, trong thời gian khá dài như vậy, Đội QLTT số 17 Hà Nội lại không hề phát hiện ra, chỉ khi có cơ quan báo chí phản ánh với cho kiểm tra và xử phạt.
Văn bản Cục QLTT Hà Nội phúc đáp lại cho cơ quan báo chí về vi phạm của Nhà sách ADC Book.
Sự việc trên đã khiến dư luận vô cùng bức xúc và không khỏi đặt ra câu hỏi: Lực lượng quản lý thị trường đã ở đâu, làm gì trong suốt thời gian dài như vậy lại không hề phát hiện ra vi phạm tại Nhà sách ACD Book? Phải chăng cố tình bao che, làm ngơ cho vi phạm của Nhà sách ACD Book?
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.
Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
+ Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26 theo mức phạt sau đây:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng”.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
Quy định rõ ràng là vậy, nhưng lực lượng quản lý thị trường, Nhà sách ACD Book lại đang phớt lờ những quy định của Nhà nước. Báo kinh doanh và Pháp luật đề nghị các ngành chức năng liên quan cần vào cuộc để kiểm tra, xử lý, làm rõ những phản ánh trên, để từ đó đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc.