Tại bài viết trước, Pháp luật Plus đã thông tin rõ những tồn tại của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) khi được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu trong báo cáo được ban hành gần đây, nhiều đơn vị thuộc Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu; đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân...
2819_bdc0415427d5dd8b84c4
Ông Bùi Hồng Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM phát biểu trong buổi làm việc với Vicem Bút Sơn.
Trách nhiệm “kéo con tàu” khỏi lỗ - lãi
Trước câu hỏi của PV, liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu Vicem liên quan đến những tồn tại của Kết luận KTNN.
Bàn luận về nội dung này, Chánh văn phòng Vicem ông Hà Quang Hiện cho hay: "Ở góc độ người đứng đầu thì anh Minh (Bùi Hồng Minh) đang chỉ đạo khắc phục kết luận kiểm toán. 4 đơn vị từng thua lỗ thì đều có lợi nhuận cả rồi, các đơn vị mà giấy phép khai thác hết hạn thì đã có rồi, đã điều chỉnh rồi. Đối với các toà nhà, lô đất thì đã có các báo cáo, xin ý kiến để tìm phương án để xử lý. Bộ cũng có văn bản, Vicem cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị có hướng dẫn và báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Với vai trò là người đứng đầu đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện Kết luận Kiểm toán".
Được biết, Đoàn kiểm tra của KTNN về việc thực hiện kết luận thanh tra tại Vicem đã kết thúc. Về nội dung này, Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật.
Như vậy có thể thấy, trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV liên quan đến những vi phạm được KTNN nêu rõ trong báo cáo mới đây là rất lớn. Vậy, ông Bùi Hồng Minh sẽ làm gì để "kéo con tàu Vicem" thoát khỏi những chuyện lỗ - lãi trước khi cổ phần hoá.
Bộ Xây dựng bàn luận gì?
Tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Phúc Hưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) đã thông tin liên quan đến các kết luận kiểm toán đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, trong 2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong đó có Tổng Công ty Xi măng - Vicem. Riêng Vicem có 2 cuộc kiểm toán, trong đó liên quan đến xử lý tài sản Nhà nước năm 2018 và một cuộc kiểm toán kết quả tư vấn định giá giá trị doanh nghiệp để thực hiện Cổ phần hóa.
A71A0036
Được xây dựng với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, tuy nhiên sau nhiều năm, dự án này của Vicem vẫn “đắp chiếu“, chưa phát huy đúng công năng. Ảnh: Phan Anh - Lao động
“Đến thời điểm hiện tại, hai tổng công ty này (HUD và Vicem) đã thực hiện toàn bộ các nội dung kiến nghị, yêu cầu xử lý hành chính của kết luận kiểm toán. Xử lý thu hồi, kiểm điểm cũng đã hoàn tất”,ông Nguyễn Phúc Hưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thì tại Kết luận của KTNN liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của Vicem. Theo quy định của pháp luật, sau khi tư vấn thẩm định giá xong, Bộ Xây dựng cử cơ quan chủ quản kiểm tra kết quả do tư vấn định giá đã chính xác hay chưa. Đây là việc tốt trong bước cổ phần hóa, giúp Bộ hoàn thiện cổ phần hóa trong thời gian tới.
Như vậy, theo như vị lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp thì phía Vicem đã kiểm điểm và hoàn tất. Vậy, trách nhiệm của ông Bùi Hồng Minh – Chủ tịch HĐTV và những cá nhân có liên quan (Công ty thành viên) đã kiểm điểm ra sao, và ở mức độ nào, trách nhiệm đến đâu.
Liên quan đến nội dung này, Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tại các bài viết sau.
Vicem là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Sau cổ phần hoá, Vicem sẽ thuộc đơn vị khác quản lý.
Được biết ông Bùi Hồng Minh đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VICEM; Tổng giám đốc VICEM đương nhiệm là ông Lê Nam Khánh;
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đương nhiệm là ông Phạm Hồng Hà; Các Thứ trưởng gồm: Bùi Phạm Khánh; Nguyễn Đình Toàn; Lê Quang Hùng; Nguyễn Văn Sinh; Nguyễn Tường Văn.
Vụ lập giả Zalo Tổng giám đốc Vicem lừa mua thanh lý thiết bị máy móc nhà máy xi măng
Ở diễn biến khác, mới đây báo Đầu tư có thông tin Nguyễn Thị Lan chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng thông qua thủ đoạn mua bán thanh lý máy móc thiết bị ngành xi măng, HĐXX Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 18 - 19/6. Ngay tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, nhiều người bị lừa tiền đã có ý kiến đề nghị Tòa án triệu tập một số người liên quan được cho là đã nhận tiền của bị cáo Lan hoặc đã đảm bảo uy tín cho bị cáo Lan.
lanluaximang2_hbqw
Bị cáo Nguyễn Thị Lan.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Lan (SN 1974, trú tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa) là đối tượng không có nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài, bị cáo tự giới thiệu bản thân có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ rồi đem bán ra ngoài sẽ được lợi nhuận.
Bị cáo còn giới thiệu sở dĩ bị cáo có thể mua thanh lý là do bản thân có quan hệ với Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và các quan chức trong ngành xi măng. Nếu muốn đầu tư kiếm lợi nhuận thì đưa tiền cho Lan, Lan sẽ chia lợi nhuận. Tưởng thật nhiều người đã đưa tiền cho Lan.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai đã dùng tiền của 31 người đưa cho ông Bùi Hồng Minh (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) khoảng 129 tỷ đồng, đưa cho Nguyễn Sỹ An (trú tại Nghệ An) hơn 42 tỷ đồng. Nhưng ông Minh và ông An không thừa nhận.
Mặc dù Tòa án đã triệu tập những người này tham gia phiên tòa nhưng họ đều vắng mặt. Nhiều bị hại đề nghị Tòa án phải triệu tập những người này đến phiên tòa để làm rõ vấn đề tiền bạc và trách nhiệm.
Quá trình xét xử, nhận thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Quang Vũ