Nhiều giải pháp thu ngân sách năm 2024

19/02/2024 06:43

Kinhte&Xahoi Năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội do cơ quan thuế quản lý thực hiện đạt 116,6% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bước sang năm 2024, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp...

Giao dịch tại bộ phận “một cửa” Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đỗ Tâm

Thu ngân sách tăng 23,8%

Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Nội do cơ quan thuế quản lý thu năm 2023 thực hiện 379.902 tỷ đồng, đạt 116,6% dự toán, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, kết quả thu ngân sách năm 2023 khẳng định chủ trương, chính sách, nội dung chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính, thành phố về công tác thu ngân sách đã thực sự phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các sở, ban, ngành chức năng của thành phố và chính quyền địa phương các cấp, cùng sự nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.

Năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố được giao là 408.547 tỷ đồng; trong đó thu nội địa là 378.530 tỷ đồng. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, toàn ngành Thuế Thủ đô đã triển khai quyết liệt các giải pháp thu ngân sách. Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 1-2024 thực hiện 67,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16,5% dự toán; trong đó thu nội địa 65,7 nghìn tỷ đồng, đạt 17,3% dự toán.

Cục Thuế thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao với mục tiêu trọng tâm là thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chú trọng những giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu. Trong đó, luôn bám sát các chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và thành phố để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách; chủ động nắm bắt, theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để xây dựng các kịch bản thu ngân sách nhà nước phù hợp với từng thời kỳ; đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn để doanh nghiệp, người nộp thuế ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Lắng nghe vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế

Một trong những nhóm giải pháp được Cục Thuế Hà Nội đặt ra là chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành, địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai tốt các gói chính sách hỗ trợ; tạo môi trường cho doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh; đặc biệt chú trọng ứng dụng nền tảng số trong công tác tuyên truyền nhằm lắng nghe vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nắm bắt kịp thời về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế.

Nhóm giải pháp nữa là tiếp tục đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế; nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; tăng cường công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cục Thuế cũng tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2024 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề như: Thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nhà đất, hoàn thuế…; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các cơ quan liên quan tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Ngoài ra, ngành Thuế Thủ đô triển khai hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định; tiếp tục tham mưu nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý; kết hợp giữa đôn đốc thu hồi nợ đọng với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...

Hương Thủy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sôi nổi khí thế sản xuất đầu xuân

Không còn tâm lý ‘‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’’, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công nhân, người lao động đã trở lại làm việc. Tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, khí thế sản xuất đầu xuân vô cùng khẩn trương, nhộn nhịp. Tất cả đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu...

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nhieu-giai-phap-thu-ngan-sach-nam-2024-658618.html