Những người “không được phép quên”

26/07/2020 10:08

Kinhte&Xahoi Chiến tranh đã lùi xa. Những người lính đã trở về với cuộc sống bình thường, những người mẹ có con hy sinh trong chiến tranh vẫn tiếp tục sống, đã quen với những mất mát thuở trước. Nhưng nhân dân sẽ không được phép “bỏ quên” các mẹ.

Những người mẹ của nhân dân

Hiếm có đất nước nào như Việt Nam, có nhiều người mẹ anh hùng như thế. Những người mẹ ấy, trong chiến tranh, đã nuôi giấu cán bộ, đã không tiếc sinh mạng, đã hy sinh hạnh phúc và đoàn viên để cho đất nước có ngày sạch bóng quân thù. 

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tràng (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) đã hơn 100 tuổi, nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn lắm. Chồng và con hy sinh trong kháng chiến, trên bàn thờ nhà mẹ, hai tấm Huân chương do nhà nước tặng cho chồng và con của mẹ đã dường như phai màu vì thời gian đã trôi qua quá lâu. Tình yêu thương dành cho chồng, cho con của mẹ vẫn còn ở đó, lặn sâu trong trái tim mẹ. Nhưng nỗi đau thì đã lùi vào dĩ vãng.

Mẹ kể rằng, giờ đây, tâm hồn mẹ bình yên, thanh thản bên con cháu. Ngày ngày, mẹ thắp những nén nhang thành kính lên bàn thờ người đã khuất. Mỗi tháng, mẹ dành 1/3 thời gian để ăn chay, cầu siêu thoát cho người đã khuất, cầu bình an cho người con sống. Tấm lưng còng gập, tay chân yếu ớt, đi đứng khó khăn, nhưng lòng mẹ thì hoàn toàn nhẹ nhõm.

Mẹ đã sống, cống hiến, hy sinh, hạnh phúc mình cho hòa bình, tự do. Mẹ đã sống một cuộc đời hữu ích, và giờ đây mẹ có thể thanh thản vì một ngày nào đó, mẹ sẽ được đoàn tụ cùng chồng và con trai ở một xứ sở tươi đẹp.

Quê hương Long An, mảnh đất Nam bộ tự hào có được người mẹ Việt Nam anh hùng lớn tuổi nhất nước, mẹ Trần Thị Viết sinh năm 1892 tại làng An Hòa, huyện Thủ Thừa. Năm 17 tuổi, mẹ lấy chồng, sinh được 10 người con, 8 trai, 2 gái. Chồng mất sớm, một mình mẹ tẩn tảo sớm hôm nuôi các con, chèo chống qua bom đạn chiến tranh.

Người con trai đầu tiên của mẹ, anh Nguyễn Văn Liễng tham gia chiến đấu và hy sinh vào năm 1953. Đau đớn, nhưng quê hương còn bóng quân thù, mẹ vẫn động viên các con kiên tâm chống giặc. Năm 1960, người con thứ bảy của mẹ là Nguyễn Văn Tạo - Tiểu đội trưởng du kích của xã Tuyên Bình, hy sinh khi mới tròn 22 tuổi. Hai năm sau, người con thứ ba tên Nguyễn Văn Kiến - Đội trưởng đội du kích xã, hy sinh. Tết năm 1963, người con thứ tám của mẹ là Nguyễn Văn Trị bị địch bắt và xử bắn tại huyện Mộc Hóa. 

Nhưng những nỗi đau chất chồng không làm mẹ chùn lòng, mà dường như càng dấy lên trong lòng mẹ niềm khao khát quê hương hòa bình. Ít lâu sau đó mẹ tiếp tục tiễn người con út Nguyễn Văn Dẫu 16 tuổi ra chiến trường. Anh Dẫu ngã xuống vào mùa Xuân Mậu Thân 1968. Năm 1972, mẹ mất đi cùng lúc 2 người con là anh Nguyễn Văn Anh (thứ năm trong gia đình) và anh Nguyễn Văn An (thứ chín trong gia đình).

Sự hy sinh của mẹ và cả gia đình là quá lớn lao. 7 người con của mẹ tham gia kháng chiến và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, trong đó có 2 người hy sinh khi chưa có vợ và không tìm được mộ. Câu chuyện của mẹ làm rơi nước mắt biết bao nhiều người con sống trong thời bình.

Ở xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, một trong những cái nôi của cách mạng Nam Bộ, có một dòng họ có 13 liệt sĩ, 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Như mẹ Tăng Thị Mùi và mẹ Lương Thị Danh là chị em bạn dâu, các con gái, con dâu của hai mẹ là Đồng Thị Tỉnh, Đồng Thị Đức, Nguyễn Thị Lâu, Lê Thị Nhãn lại nối tiếp truyền thống cách mạng, hiến dâng chồng, con và máu, nước mắt của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đến nay, mẹ Đồng Thị Đức, con gái thứ năm của mẹ Lương Thị Danh là người duy nhất còn sống của dòng họ có 6 mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Đức đã trên 90 tuổi, nhưng vẫn còn nhớ rõ chuyện xưa, còn trung trinh cách mạng, nói về bộ đội, về cách mạng, mẹ vẫn trải tấm lòng yêu thương, gắn bó. 

Mẹ Hẹ Quảng Trị, Mẹ Ngự ở Bình Thuận, mẹ Rành ở Củ Chi, mẹ Khánh ở Hòn Đất, Kiên Giang… còn rất nhiều những người mẹ đã đi vào huyền thoại của đất nước, vừa nuôi giấu cán bộ, chồng, con, cháu hy sinh cho cách mạng, bản thân lại là anh hùng lực lượng vũ trang. 

Học viện Tư pháp cơ sở TP HCM thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng  Nguyễn Thị Tới mới đây

“Mẹ đã có ngàn đứa con”

Trên cả đất nước, có biết bao người mẹ như thế. Có những người mẹ đã đi vào lịch sử, được tạc khắc thành tượng đài để nhân dân trọn đời ghi nhớ. Đó là mẹ Thứ, người mẹ đã trở thành biểu tượng vĩnh hằng của cách mạng Việt Nam. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904, ở xóm Rừng (thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam).

Hai vợ chồng mẹ cùng con gái đầu bám trụ xóm làng, đào hầm nuôi giấu cán bộ. Hằng đêm, mẹ để ngọn đèn sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động.Vườn nhà mẹ có 5 căn hầm bí mật. Hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình mẹ Thứ chở che, chăm sóc…

Mẹ Thứ có 12 người con (11 trai và 1 gái) thì 9 con trai hy sinh. Con đầu và cũng là con gái duy nhất - bà Lê Thị Trị là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi có chồng và 2 con gái là liệt sĩ. 14 lần mẹ tiễn con cháu ra chiến trường 12 lần mẹ nhận giấy báo tử của các con, cháu, 12 người ấy đã trở thành liệt sĩ! Mẹ mất năm 2010 tại TP Đà Nẵng, đại thọ 106 tuổi. Năm 2015, quần thể tượng đại mẹ Việt Nam anh hùng được khánh thành tại núi Cấm, Quảng Nam, là tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước, được lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ.

Những năm qua, trên cả nước, công tác chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Nhiều mẹ Việt Nam anh hùng được chính quyền địa phương xây nhà tình nghĩa, các mẹ được tận tâm chăm sóc, phụng dưỡng, nuôi nấng bởi địa phương, bởi các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và cả những doanh nghiệp có lòng.

Mới đây, Kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2020), ngày 18/7, Học viện tư pháp cơ sở TP HCM đã tổ chức chuyến đi Về nguồn, thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Tới cùng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công tại tỉnh Đồng Nai. Trong chuyến thăm đầy tình nghĩa, Học viện tư pháp cơ sở TP HCM và các học viên đã tặng 30 phần quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách ở xã Phú Túc.

Sắp đới đây, chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020” với 350 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25-7 tại Hà Nội và Hà Nam. Buổi lễ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức với sự tham gia của 350 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước. Buổi lễ sẽ thắp thêm một ngọn lửa của lòng biết ơn, tri ân của con cháu trên khắp cả nước, hướng đến các mẹ.

Quá khứ đau thương đã lùi xa, hòa bình mà các mẹ đánh đổi bằng hạnh phúc cả đời, bằng sinh mạng của mình, của chồng con biết bao là quý báu. Chồng, con, cháu… đã ra đi, nhưng các mẹ đã có thêm nhiều đứa con trên cả đất nước, luôn trân quý, yêu thương và tri ân.

Như lời bài hát Hát về mẹ Việt Nam anh hùng của nhạc sĩ An Thuyên: “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non/ Thỏa nỗi những sầu đau tháng ngày/ Và chúng con hôm nay như ùa vào lòng mẹ/ Giặc tan hết ta xây quê hương/ Như ý Bác một đời hằng mong để rực rỡ, rực rỡ Việt Nam”.

 Mai Ngọc - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều tiền như nhà Tân Hiệp Phát

Phần lớn lợi nhuận tạo ra từ mảng đồ uống được phân phối lại cho các thành viên trong gia đình ông Trần Quý Thanh – nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-nguoi-khong-duoc-phep-quen-d130330.html