Nợ xấu lên sàn giao dịch: Hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp

05/07/2021 16:12

Kinhte&Xahoi Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang rốt ráo triển khai thủ tục, hoàn thiện quy chế, phần mềm, nguồn nhân lực… để đưa sàn giao dịch nợ VAMC đi vào hoạt động trong quý này. Sàn giao dịch nợ xấu VAMC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ xử lý nợ nhanh hơn.

Mua bán nợ xấu, tư vấn giao dịch

Đại diện VAMC cho biết, đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động và được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận. Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh.

Về thành viên tham gia, bao gồm: VAMC, các tổ chức tín dụng, công ty quản lý nợ (AMC) của các tổ chức tín dụng và các công ty mua/bán nợ trong nền kinh tế theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP nếu đáp ứng được điều kiện của sàn. Bên cạnh các đối tượng trên, sàn giao dịch nợ VAMC còn có sự tham gia của các đối tác trung gian như tổ chức thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm, tổ chức môi giới, tư vấn…

 Ảnh minh họa

Sàn này sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

Cụ thể, theo Quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch nợ đã được VAMC ban hành, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hai hoạt động trọng tâm. Thứ nhất, môi giới, mua bán các khoản nợ xấu, tức sàn sẽ làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu. Hoạt động này không bao gồm hoạt động bán đấu giá. Thứ hai, tư vấn mua bán nợ xấu. Hiện sàn giao dịch hướng tới là nơi tập hợp, đầu mối, thông tin về các khoản nợ xấu mà các tổ chức tín dụng mong muốn đưa lên giao dịch mua/bán tại sàn.

Theo đại diện VAMC, sàn chỉ giao dịch các khoản nợ, không bao gồm giao dịch tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Mảng giao dịch tài sản bảo đảm chỉ dừng ở chức năng tư vấn, môi giới.

“Như vậy, sàn giao dịch nợ là trung gian, là “chợ” kết nối mua bán nợ và tài sản giữa các thành viên với nhau. Ví dụ, ông A có một khoản nợ niêm yết trên sàn, “chợ” làm nhiệm vụ giới thiệu để các thành viên xem xét và mua. Thông qua đó, sàn sẽ tư vấn cho cả bên mua lẫn bên bán, soạn thảo hợp đồng. Thành viên niêm yết trên sàn có “hàng” cứ việc niêm yết trên đó”- Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng chia sẻ.

Gần 3.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ được giao dịch ngay

VAMC sẽ đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, giúp kết nối cho các nhà đầu tư gặp nhau, thảo luận và mua bán các khoản nợ xấu. Qua đó, để xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả hơn.

Sàn giao dịch nợ xấu VAMC được các ngân hàng kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ xử lý nợ nhanh hơn. Đơn cử như BIDV là một trong những ngân hàng tích cực rao bán tài sản để thu hồi nợ. Chỉ trong tuần qua, ngân hàng này đã 7 lần thông báo bán đấu giá các khoản nợ và tài sản đảm bảo để thu hồi nợ với số dư hàng trăm tỷ đồng. Vietcombank đang phát mại tài sản bảo đảm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược, nhựa, may mặc, sản xuất nông nghiệp, xây dựng… Nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh rao bán ô tô trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải gặp khó khăn…

Ban đầu, nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ hai nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Cùng đó là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; tuy nhiên, trước khi giao dịch phải có sự thống nhất giữa VAMC với các tổ chức tín dụng về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ nào thỏa thuận được bằng cách bán nợ cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch. Và nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và AMC tổ chức tín dụng.

Đại diện VAMC cho biết, lũy kế đến 31/5, giá trị nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt còn lại đạt 94.500 tỷ đồng và dự kiến vẫn tăng do dịch bệnh Covid-19 ngày càng khiến doanh nghiệp khó khăn. Đặc biệt, lũy kế đến 30/6, VAMC mua được khoảng 10.000 tỷ đồng theo giá thị trường, số nợ này đã được xử lý 70%, còn 30%. Như vậy, trên lý thuyết, khoảng 3.000 tỷ đồng còn tồn đọng sẽ là nguồn hàng giao dịch đầu tiên khi mở sàn.

Để hoạt động sàn giao dịch mua bán nợ được vận hành suôn sẻ, lãnh đạo VAMC cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC phù hợp với Chiến lược phát triển của VAMC đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã được NHNN phê duyệt. Cùng đó, VAMC cũng đề xuất cần nâng tầm Nghị quyết 42 thành luật xử lý nợ xấu hoặc thành một chương/điều của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi hoặc chí ít thì cũng gia hạn Nghị quyết 42.

Được biết, mới đây Hiệp hội Ngân hàng đã thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn nhằm tăng cường hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ, chia sẻ thông tin kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Thị trường mua bán nợ hiện chủ yếu giữa các tổ chức tín dụng, VAMC với một số đơn vị khác, trong khi nhu cầu tham gia của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn. Sàn giao dịch nợ VAMC càng sớm đi vào hoạt động càng mang lại lợi ích lớn. Các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng hiện nay cũng cần được phân loại, trích lập đúng, đầy đủ và minh bạch để những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm có cơ hội tham gia. (TS Nguyễn Trí Hiếu)

 Trâm Anh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

GDP Việt Nam năm 2021: Kỳ vọng vượt 500 tỷ USD

Hiện có nhiều ý kiến đa chiều về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, đặc biệt là câu hỏi lớn đang đặt ra, liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam cuối năm 2021 có cán mốc 500 tỷ USD… Thực tế cho thấy, có nhiều cơ sở cho việc đạt được mục tiêu kỳ vọng này.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/no-xau-len-san-giao-dich-hinh-thanh-thi-truong-mua-ban-no-chuyen-nghiep-426021.html