Nỗi lo lắng tài chính trước Tết của nhiều người trẻ

11/12/2021 17:15

Kinhte&Xahoi Đối với nhiều người trẻ, năm 2021 đánh dấu những sự thay đổi trong cuộc sống của họ. Mỗi người chọn cho mình một lối đi riêng, có người chọn tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại, có người thì chọn nghỉ việc để bắt đầu những dự định mới… nhưng tất cả họ đều có chung một nỗi lo về tiền bạc, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Càng về thời điểm cuối năm, Trần Hải Hà (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại càng đắn đo, tính toán xem nên mua gì, tiêu gì vì năng lực tài chính đã không còn “rủng rỉnh” như trước. Suốt từ đầu tháng 5 đến giờ, công việc bán các combo du lịch của cô không thực hiện được vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Càng về thời điểm cuối năm, Hải Hà lại càng đắn đo, tính toán xem nên mua gì, tiêu gì vì tài chính không còn "rủng rỉnh"

“Mình sợ Tết năm nay mình không có tiền tiêu. Vì mình làm tự do, không đóng bảo hiểm xã hội nên không nhận được trợ cấp, mấy tháng vừa qua mình tiêu hết số tiền đã dành dụm được rồi”, Hải Hà nói.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người trẻ như Hải Hà có xu hướng chọn làm các công việc tự do. Đó cũng là một phần lý do khiến họ đang phải đối mặt với tình cảnh bấp bênh thu nhập, nhất là khi không được đóng bảo hiểm xã hội hay hỗ trợ thất nghiệp.

Mới ra trường hồi tháng 7 năm 2021, những tháng vừa qua, Huy Hùng (22 tuổi) đối mặt với việc không thể tạo ra thu nhập cho bản thân. Điều đó khiến Huy Hùng đang tự sống khép mình hơn với các mối quan hệ thân thiết trước đây.

Không thể tạo ra thu nhập, Huy Hùng cảm thấy áp lực và ngại tiếp xúc với mọi người

“Không có tiền, mình ngại giao tiếp với mọi người. Bằng tuổi và chơi với mình, các bạn ấy đều có công việc ổn định, sắm sửa cho bản thân đầy đủ. Mình thì chưa có gì, vẫn phải sống nhờ vào sự trợ giúp của gia đình nên không có tự tin để chơi cùng mọi người”, Huy Hùng buồn bã nói.

Thực tế, Huy Hùng cũng đã thử tìm kiếm những công việc khác để có thể kiếm thêm thu nhập trong đợt dịch vừa rồi. Hầu hết các công việc trong số đó Hùng có thể làm dưới hình thức như một freelancer. Dù vậy, đó đều chỉ là các phần việc nhỏ, không thường xuyên và cũng không mang lại thu nhập tốt.

“Mình vừa quyết định mới chuyển từ công việc freelance sang làm văn phòng. Một thời gian nữa, khi được nhận vào làm chính thức, mình mới nhận được đầy đủ lương và đãi ngội nên mình chỉ có thể “siết hầu bao”, thắt chặt chi tiêu thì mới có thể trang trải chi phí sinh hoạt và tiết kiệm đôi chút cho bản thân. Mình sẽ làm việc thật chăm chỉ để thực hiện những điều đó”, Huy Hùng chia sẻ.

Khác với Hải Hà hay Huy Hùng, Thanh Hải (25 tuổi) có một công việc liên quan đến tài chính và có mức thu nhập ổn định hơn. Tuy vậy, việc mua sắm “tất tay” trong những đợt sale vừa qua khiến thời điểm này, khi Tết Nguyên đán đang đến gần, Thanh Hải lo lắng vì không tự tin có thể trả hết nợ để yên tâm đón Tết.

"Tất tay" trong việc mua sắm, những tháng cuối năm của Thanh Hải trôi qua có phần căng thẳng và áp lực hơn

“Cách đây không lâu, mình mới dồn hết tiền tiết kiệm, vay mượn thêm bạn thân và sử dụng cả thẻ tín dụng để mua máy tính và xe máy mới nên hiện tại có thể nói là mình đang “trắng tay”. Cộng thêm công việc cũng đang trong trạng thái đi xuống nên nếu mình không cố gắng, mình sẽ vỡ nợ mất”, Thanh Hải nói.

Là năm đầu tiên đi làm và cũng có công việc được nhiều người để ý, Thanh Hải cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp tài chính cho gia đình mua sắm Tết. Cô gái trẻ đã liệt kê sẵn danh sách các khoản như tiền gửi về cho bố mẹ ở quê, tiền để lì xì gia đình, họ hàng và tiền đi chơi trong dịp nghỉ lễ.

Để có số tiền đó cộng với việc phải lo tiền thuê nhà và trang trải sinh hoạt phí tại Hà Nội, những tháng cuối năm của Thanh Hải có phần căng thẳng và áp lực hơn. Vì vậy, Thanh Hải đang thực sự nghiêm khắc với bản thân để cắt giảm chi tiêu cá nhân.

Nhiều bạn trẻ đang nghiêm túc thắt chặt chi tiêu để chuẩn bị đón Tết

Cô gái trẻ chủ động xóa các ứng dụng sàn thương mại điện tử trên điện thoại để không bị “cám dỗ” bởi những đợt săn sale. Ngoài ra, cô hạn chế ăn uống ngoài hàng quán, thay vào đó chăm chỉ nấu cơm ở nhà hơn. Thanh Hải cũng khéo léo từ chối một số cuộc liên hoan, nhậu nhẹt cuối năm. Thanh Hải thừa nhận đây là điều dễ thực hiện nhất bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

Đứng trước dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm với nhiều khoản cần sắm sửa cho bản thân và gia đình, giới trẻ đang cảm thấy thực sự căng thẳng và phần nào đó áp lực khi phải cân đối, tính toán kỹ lưỡng trong chi tiêu của bản thân để đón Tết vui vẻ, đầy đủ hơn.

 Trung Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất công nghiệp phục hồi: Điểm sáng của kinh tế Thủ đô

Khi chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa, phục hồi và tăng trưởng trở lại với những con số ấn tượng. Có thể nói, hoạt động sản xuất công nghiệp đang tạo ra những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thủ đô cuối năm 2021. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu, tạo ra giá trị bền vững.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/noi-lo-lang-tai-chinh-truoc-tet-cua-nhieu-nguoi-tre-185311.html