Nóng: Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe qua đời

08/07/2022 17:41

Kinhte&Xahoi Đài NHK đưa tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không qua khỏi sau khi bị một người đàn ông bắn lúc đang phát biểu tại thành phố Nara ngày 8/7.

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: AP)

"Quan chức cấp cao đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho biết cựu thủ tướng Shinzo Abe đã qua đời ở tuổi 67 tại bệnh viện ở thành phố Kashihara, tỉnh Nara, nơi ông được điều trị y tế", theo NHK.

Kyodo News cũng dẫn nguồn tin đảng cầm quyền thông báo tương tự.

Bác sĩ tại bệnh viện cho biết ông Abe từ trần lúc 15 giờ 03 ngày 8.7 (theo giờ Việt Nam).

Trước đó, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết tình trạng của cựu Thủ tướng Shinzo Abe rất nguy kịch sau khi bị bắn vào trưa 8.7.

"Tôi cầu mong cho cựu thủ tướng Abe sẽ vượt qua", AFP dẫn lời ông Kishida nói.

Ông Kishida xác nhận với báo giới ngay khi vừa về Tokyo rằng ông Abe đã bị bắn tại thành phố Nara và ông được báo cáo rằng tình trạng của người tiền nhiệm rất nguy kịch.

Ông Kishida nhấn mạnh: "Đó là hành động man rợ ngay tại buổi vận động bầu cử, điều được xem là nền tảng của dân chủ. Điều này tuyệt đối không thể tha thứ. Tôi lên án mạnh mẽ nhất đối với hành động này".

Theo truyền thông Nhật Bản dẫn thông tin từ cảnh sát, ông Abe bị bắn vào trưa 8.7 khi đang phát biểu vận động cử tri gần ga tàu tại thành phố miền tây Nara trước thềm cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản, dự kiến vào ngày 10.7.

Theo đài NHK, ông Abe bị bắn từ đằng sau bởi một người đàn ông và đổ gục. Ông bị bắn vào ngực và cổ. Ông sau đó được đưa lên trực thăng đến bệnh viện. Truyền thông Nhật đưa tin ông có lúc bị ngưng tim.

Cảnh sát bắt giữ nghi phạm tên Yamagami Tetsuya (41 tuổi) tại hiện trường và thu giữ một khẩu súng. Nghi phạm bị cáo buộc tội cố ý giết người và đang bị tạm giam.

Ông Abe (68 tuổi), làm thủ tướng Nhật Bản trong hai giai đoạn từ 2006-2007 và 2012-2020. Ông là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Hồi tháng 9.2020, ông từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, ông vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, theo Reuters.

Thế giới đã chấn động vì thông tin trên. Các lãnh đạo quốc tế đã lên án vụ tấn công và cầu nguyện cho ông Abe.

Tiểu sử chính trường của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

Ngày sinh: 21/9/1954

Nơi sinh: Tokyo, Nhật Bản

Cha: Shintaro Abe, cựu Tổng Thư ký LDP (đảng Dân chủ Tự do)

Mẹ: Yoko Kishi

Kết hôn: Akie (Matsuzaki) Abe từ năm 1987 đến nay. Cặp đôi không có con. Với tư cách là Đệ nhất phu nhân, bà Akie Abe tham gia vào chính trị, truyền thông đưa tin có đôi khi bà có ý kiến bất đồng với chồng, đặc biệt là về các vấn đề xã hội.

Học vấn: Tốt nghiệp Đại học Seiki, Cử nhân Khoa học Chính trị năm 1977. Ông cũng học tại Đại học South California, Mỹ

Được bầu làm thành viên Hạ viện Nhật Bản 7 lần.

Ông là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản sinh sau Chiến tranh thế giới thứ II. Vào đầu năm 2013, ông Abe đã khởi động một chiến dịch lớn để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ. Được gọi là "Abenomics", bao gồm ba trọng tâm chính gồm kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách kinh tế.

Ông Abe lần đầu trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006 và từ chức một năm sau đó vì lý do sức khỏe. Ông Abe là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các Thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến II và là Thủ tướng đầu tiên sinh ra sau Thế chiến II.

Ông quay lại làm Thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ vào ngày 26/12/2012. Tính tới ngày 24/8/2020, ông Abe lập kỷ lục với số ngày tại vị Thủ tướng liên tiếp lâu nhất trong lịch sử nước này, cụ thể là 2.799 ngày.

Ông Abe cùng phu nhân trong một lần công du. (Ảnh: The Guardian) 

Di sản của ông Abe Shinz

Chính sách "Abenomics"

Khi ông Abe được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012, Nhật Bản đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế sau nhiều thập kỷ trì trệ. Ông đã sớm đưa ra một thử nghiệm lớn thường được gọi là "Abenomics", bao gồm ba ưu tiên chính kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu chính phủ và tái cơ cấu nền kinh tế,mà các đồng minh của ông cho là đã phục hồi nền kinh tế đất nước và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư.

"Nhật Bản không còn là Nhật Bản của quá khứ", ông Abe nói vào tháng 1/2020.

CNN nhận định, bất kỳ thành công nào của Abenomics phần lớn đều nằm trong việc tránh tiếp tục suy giảm, hơn là dẫn đến một sự bùng nổ kinh tế, vì nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn dễ bị tác động trong suốt thời gian ông nắm quyền. Nhật Bản thậm chí còn chìm sâu vào suy thoái kinh tế kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Một yếu tố chính đã khiến ông Abe gặp nhiều khó khăn trong thời gian ông nắm quyền là dân số già đi nhanh chóng.

Mặc dù vậy, Nhật Bản dưới thời ông Abe đã nới lỏng các quy định nhập cư đối với lao động nước ngoài, điều này đã thúc đẩy lực lượng lao động. Các kế hoạch khôi phục tài khóa của đất nước đã không giải quyết được thực tế là tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật Bản vẫn cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển.

Ông Abe đề cao sự cần thiết phải cải cách phong cách làm việc, chỉ trích việc không ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực là nữ giới và cam kết thu hẹp khoảng cách trong lực lượng lao động bằng "Womenomics".

Kết quả hỗn hợp về ngoại giao

Về mặt ngoại giao, thành tựu của Abe cũng rất khác nhau. Ông đã vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington, đồng minh truyền thống của Tokyo, và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ trước khi ông Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng.

Trong một cuộc gặp không chính thức vào thời điểm đó, ông Abe đã ca ngợi liên minh Mỹ - Nhật và nói rằng ông muốn "xây dựng lòng tin" với Tổng thống mới. Ông ủng hộ mạnh mẽ đường lối cứng rắn ban đầu của Tổng thống Trump đối với vấn đề Triều Tiên, điều này phù hợp với xu hướng cứng rắn của ông Abe. Khả năng vun đắp mối quan hệ cá nhân với ông Trump thường được cho là một trong những lý do lớn nhất khiến Nhật Bản có thể tránh được một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, khi mối quan hệ của Washington với Bình Nhưỡng nghiêng về ngoại giao, với việc cả ông Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Abe dường như bị bỏ rơi trong mối quan hệ với Mỹ.

Thành công và thất bại của Olympics Tokyo 2020

Một thực tế là những thành quả phục hồi kinh tế đạt được nhờ chính sách mà chính phủ của ông đề ra từ năm 2012, hay còn được biết đến là Abenomics, đã bị xóa mờ bởi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/202.

Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành vào ngày 7/4 và mở rộng phạm vi áp dụng ra toàn quốc vào ngày 16/4. Mặc dù biện pháp này giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế khi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, chi tiêu dùng của các hộ gia đình và chi đầu tư của khối doanh nghiệp giảm mạnh. Các số liệu thống kê cho thấy chỉ trong các tháng 4 và 5/2020, chi tiêu dùng của các hộ gia đình đã giảm kỷ lục tương ứng 11,1% và 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sửa đổi Hiến pháp và thúc đẩy ngoại giao

Việc hoàn thành sửa đổi hiến pháp trước khi nhiệm kỳ lãnh đạo Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền kết thúc vào tháng 9 năm sau cũng là mục tiêu của Thủ tướng Abe. Trong năm 2015, ông Abe từng diễn giải lại hiến pháp để mở rộng vai trò của quân đội. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ (SDF) có thể tham chiến hỗ trợ đồng minh theo quyền phòng vệ tập thể.

Giờ đây, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng cần phải đưa SDF vào hiến pháp để ghi nhận những đóng góp của lực lượng này. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu sửa đổi hiến pháp, Thủ tướng Abe cần phải có sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ tại lưỡng viện quốc hội. Sau đó, nhà lãnh đạo này phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trong vòng từ 60 - 180 ngày và cần đạt được ít nhất 50% phiếu ủng hộ.

Về chính sách đối ngoại, Nhật Bản sẽ phải thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao để bảo vệ các lợi ích quốc gia Nhật Bản như ký kết hiệp ước hòa bình với Nga để chính thức chấm dứt tình trạng thù địch từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với các mối quan hệ gai góc với các nước láng giềng như căng thẳng ngoại giao và kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, vấn đề Triều Tiên, quan hệ với Trung Quốc...

 

 

Theo TTXVN/ TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mượn cớ thi trên mô hình, nhiều cơ sở đào tạo lái xe ô tô tuỳ tiện tăng giá

Trước thông tin chuẩn bị áp dụng quy định mới về giám sát thời gian học lái đường trường cùng việc học và thi trên thiết bị mô phỏng, nhiều cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã tự ý tăng mức học phí, thậm chí nhiều nơi còn tăng hơn 50% so với trước. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không được tùy tiện tăng học phí.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nong-cuu-thu-tuong-nhat-shinzo-abe-qua-doi-200618.html