Phải thực chất, thực tâm đồng hành cùng doanh nghiệp

16/12/2021 18:47

Kinhte&Xahoi Sáng 16-12, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, điều quan trọng và để tiếp tục phát triển đội ngũ doanh nhân là các cấp, các ngành, cán bộ, công chức phải thực chất, thực tâm đồng hành cùng doanh nghiệp.

Dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đại biểu thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nhân của thành phố.

Quang cảnh hội nghị.

Phát huy vai trò, vị thế, đóng góp tích cực vào nền kinh tế

Trình bày báo cáo tổng kết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trong toàn Đảng bộ thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội đã đồng hành, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước khẳng định vị thế. Đội ngũ doanh nhân Thủ đô ngày càng đông đảo về số lượng, chất lượng được nâng lên. Hằng năm, có từ hơn 13.000 đến hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; đến năm 2020, toàn thành phố có hơn 303.000 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Tính đến tháng 6-2021, toàn Đảng bộ thành phố đã thành lập mới 1.573 tổ chức Đảng, phát triển được gần 10.000 đảng viên mới, trong đó có 38 chủ doanh nghiệp...

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, tập trung vào hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đến nay duy trì ở mức 100%...

Việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân Thủ đô phát huy được vị thế, vai trò, có đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5.420 USD/người/năm. Thủ đô ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, tạo động lực quan trọng đối với phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Báo cáo cũng làm rõ một số khó khăn, hạn chế; trong đó khẳng định, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm, bổn phận phục vụ, đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển kinh tế chưa cao. Cá biệt có trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước.

Tham luận tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh đã minh họa rõ nét hơn kết quả nêu trên, đồng thời kiến nghị một số vấn đề đối với thành phố và Trung ương.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân Thủ đô có bản sắc

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong gửi lời cảm ơn những đóng góp, sự đồng hành, sẻ chia của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đối với công cuộc phát triển của Thủ đô 10 năm qua. Doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ giúp Hà Nội duy trì vai trò là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, mà còn đi đầu trong bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; mà còn tạo cảm hứng cho tuổi trẻ khởi nghiệp, sáng tạo...

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành và đội ngũ doanh nhân Thủ đô thời gian tới rất nhiều thách thức; nhất là khi tỷ trọng đóng góp của Hà Nội vào kinh tế cả nước có xu hướng giảm và các chỉ tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025 ở mức cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, sau 10 năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, tình hình kinh tế và đội ngũ doanh nhân đã có sự thay đổi rất lớn; thời cơ, thách thức cũng rất khác. Trước những mục tiêu, nhiệm vụ và thời cơ, thách thức đặt ra, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, các cấp, các ngành cần tập trung khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên của đội ngũ doanh nhân Thủ đô; tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng; bắt kịp, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, của thời kỳ chuyển đổi số.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân sao cho các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải thực chất, thực tâm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả.

“Mấu chốt trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, xây dựng đội ngũ doanh nhân thời gian tới vẫn là đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa để tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, đưa Hà Nội trở thành điểm đến đáng để đầu tư, là nơi đáng sống”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục tập trung tuyên truyền để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nhất là trong giới trẻ Hà Nội; khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất làng nghề chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đến năm 2025 toàn thành phố có 500.000 doanh nghiệp.

Đồng chí cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-12-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, phát triển mạnh, nâng cao tỷ lệ các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và tiềm năng văn hóa của Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cần phải quan tâm phát triển văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân để mỗi doanh nhân Thủ đô có bản sắc riêng, vừa có bản lĩnh kiên cường, có khát vọng với khí thế rồng bay và có ý thức trách nhiệm xã hội cao, luôn luôn phấn đấu xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, xứng đáng là trái tim của cả nước, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của khu vực.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể tiêu biểu.

Nhân dịp này, 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

 Hà Vũ - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Logistics là những “mạch máu” của nền kinh tế

Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/1020100/phai-thuc-chat-thuc-tam-dong-hanh-cung-doanh-nghiep?