Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt, chặt chẽ hơn trong đợt giãn cách xã hội này

07/08/2021 07:30

Kinhte&Xahoi Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội đạt được những kết quả khá tích cực song nếu Hà Nội dừng giãn cách trong giai đoạn này thì những thành quả, kết quả khó đảm bảo được. Việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch; Đồng thời tiếp tục củng cố, chuẩn bị thế chủ động một cách toàn diện.

Chiều 6/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17; Kế hoạch phòng, chống dịch thời gian tới.

Dự và chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội.

Tận dụng thời gian giãn cách "bóc tách" các ca lây nhiễm trong cộng đồng

 Báo cáo tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Sở Y tế đã phối hợp với các ban, ngành thực hiện các nội dung phòng chống dịch, đặc biệt tranh thủ thời gian cách ly xã hội, thực hiện rà soát, "bóc tách" các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ông Cương cho biết: Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp quản lý chặt chẽ người dân, thực hiện nghiêm chỉ thị của UBND TP; Tận dụng ngày giãn cách truy vết thần tốc, bóc tách nhanh, rà soát các trường hợp ho sốt khó thở để thực hiện sàng lọc trong cộng đồng ở các khu vực nguy cơ cao; Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin trong cộng đồng…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại cuộc họp báo

Đối với việc đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời điểm giãn cách, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã phối hợp các địa phương tổ chức cung ứng hàng hóa với mức dự trữ gấp 3 lần, các doanh nghiệp cũng đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng nguồn cung. Đến nay, nhu cầu hàng hóa của người dân Thủ đô đều được đáp ứng đầy đủ, chưa có tình trạng thiếu hàng, chưa có trường hợp người dân không mua được hàng.

Các quận, huyện đều tổ chức phát phiếu đi chợ và người dân Thủ đô đều chấp hành rất nghiêm túc. Các doanh nghiệp cũng phối hợp với địa phương tổ chức bán hàng lưu động khi các điểm bán trên địa bàn bị đóng cửa. Sở Công thương cũng phối hợp với các địa phương vận động các doanh nghiệp bán hàng không thiết yếu chuyển sang bán hàng thiết yếu nhằm đa dạng hóa các mặt hàng phục vụ người dân. Các nhân viên giao hàng đã được Sở tổng hợp danh sách gửi tới Sở Giao thông vận tải để cấp mã hoạt động, đảm bảo cung ứng hàng hóa thuận lợi…

Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, TP đã kích hoạt thêm các điểm bán hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sở Công thương cũng tiếp tục liên kết đưa về các nguồn hàng, chủ động thay thế các nguồn cung từ các địa phương đang có dịch.

Trước tình hình các chợ đầu mối của TP phải đóng cửa do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công thương đã phối hợp với các địa phương đảm bảo kết nối cung cầu hàng hóa tại địa bàn và lưu lượng nguồn hàng về TP; Tập trung nguồn hàng từ các chợ này chuyển cho hệ thống phân phối của siêu thị.

Nhờ đó, dù hơn 20 chợ đóng cửa và chuỗi cửa hàng, siêu thị ngừng hoạt động nhưng đến nay nhu cầu hàng hóa của người dân Thủ đô vẫn được đảm bảo. Sở Công thương cho biết, sẽ ban hành hướng dẫn chung cho các điểm bán, để khi có xuất hiện F0, việc đóng và mở cửa sẽ đảm bảo quy trình dịch tế nhất định, đưa các chợ sớm đi vào hoạt động trở lại.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan thông tin tại buổi họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính quyền, sự ủng hộ tích cực của Nhân dân và đã đạt được những kết quả ban đầu.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó một số ca ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây; Một số chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt, một số địa điểm vẫn chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của TP… Từ thực trạng đó, Chủ tịch UBND TP đã ban hành công điện số 18, thực hiện giãn cách xã hội thêm 15 ngày đến 6h ngày 23/8/2021 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong Công điện đã nêu rõ các nhóm vấn đề để tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch theo Chỉ thị 17 của UBND TP, trong đó, triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn: Giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở nguyên đó".

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi họp báo

Phát huy vai trò chủ động, tự nguyện tham gia chống dịch của người dân

Kết luận buổi họp báo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, dư luận xã hội và các chuyên gia đánh giá, việc Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP là rất đúng và trúng. Điều đáng nói hơn là các giải pháp TP đưa ra trong chỉ thị được đánh giá cao.

Việc thành phố quyết định thực hiện thêm 15 ngày giãn cách xã hội xuất phát từ việc, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 những kết quả đạt được khá tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi Hà Nội là trung tâm, đầu mối giao thương; Xung quanh Hà Nội các tỉnh đều đang có dịch. Trong khi đó, dịch bệnh đã xâm nhập vào các địa bàn phức tạp như khu công nghiệp, bệnh viện, chuỗi cung ứng, siêu thị, khu đông dân cư… Nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.

“Nếu dừng giãn cách thì những thành quả, kết quả đạt được trong thời gian qua khó đảm bảo được. Việc tiếp tục giãn cách nhằm khoanh vùng, truy vết, cách ly, xử lý các ổ dịch; Đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, chuẩn bị thế chủ động một cách toàn diện” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận buổi họp báo

Phó Bí thư Thành ủy cũng cho biết, với quan điểm luôn luôn phải chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước, TP đã đưa vào sử dụng bệnh viện thu dung để điều trị những bệnh nhân F0 biểu hiện nhẹ. Bộ Y tế đã có phương án phân bổ cho Hà Nội số giường bệnh để điều trị các ca nặng. TP đã chỉ đạo các quận, huyện thực hiện 3-5 nghìn chỗ cách ly; Bên cạnh đó bổ sung mua sắm trang thiết bị phục vụ các bệnh viện;…

Xác định dịch bệnh còn kéo dài, TP đã phân công các lực lượng giảm tải cho tuyến đầu. Trong giai đoạn hiện nay, để tập trung nguồn lực phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, TP đã tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên của TP (trừ thiết bị phòng chống dịch), cắt giảm tổ chức các hội nghị... để đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhấn mạnh sự đồng lòng, vào cuộc của Nhân dân mang tính chất quyết định đối với công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: TP thống nhất chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, thực chất hơn, trong đó tập trung động viên khích lệ, phát huy vai trò phòng, chống dịch ở cơ sở; Vai trò chủ động, tự nguyện của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt là bảo vệ, giữ cho được những “vùng xanh” an toàn. Cùng đó, các địa phương, đơn vị phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, thực chất để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Về 15 ngày giãn cách xã hội tới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn. "Căn cứ vào tình hình thực tiễn, TP sẽ thực hiện các giải pháp có thể cao hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ" Phó Bí thư Thành ủy cho biết, đồng thời bày tỏ mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ, đồng hành, chia sẻ cùng TP trong thời gian tới.

Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-se-thuc-hien-cac-giai-phap-quyet-liet-chat-che-hon-trong-dot-gian-cach-xa-hoi-nay-172849.html