Phục vụ sản xuất nông nghiệp: Nâng cấp hệ thống thủy lợi

14/03/2022 07:14

Kinhte&Xahoi Mặc dù đã cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ, nhưng tiến độ lấy nước của thành phố Hà Nội vẫn chậm hơn các tỉnh, thành phố trong khu vực. Để bắt kịp tiến độ, chủ động nguồn nước gieo cấy trong những năm tới, Hà Nội đang nghiên cứu giải pháp thích ứng với mực nước các sông hạ thấp không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ thủy điện, trong đó ưu tiên biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi.

Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) đã đưa vào vận hành lấy nước cho sản xuất vụ xuân 2022. Ảnh: Minh Phúc

Mực nước các sông ngày càng hạ thấp

Tổng kết công tác lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2021-2022, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đánh giá, mặc dù Hà Nội đã lấy đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy trong khung thời vụ nhưng tiến độ lấy nước tiếp tục chậm hơn 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. “Trong khi nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch lấy nước, thành phố Hà Nội vẫn còn diện tích thiếu nước, phải lấy đợt 3…”, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Hồng Khanh cho biết.

Giải thích về tiến độ lấy nước chậm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đặng Anh Tuấn cho rằng, với 81.441ha, diện tích gieo cấy lúa xuân của Hà Nội chiếm gần 1/5 tổng diện tích toàn khu vực. Hơn nữa, nông dân Thủ đô đã coi vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong nhiều năm nay. Do vậy, các tổ chức thủy lợi không thể lấy nước đưa lên ruộng khi nông dân chưa thu hoạch cây trồng… Đặc biệt, mực nước trên các sông: Hồng, Đà, Đuống những năm gần đây liên tục hạ thấp khiến hàng loạt trạm bơm cố định gồm: Ấp Bắc, Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa…; các cống lấy nước như: Cẩm Đình, Liên Mạc… không thể vận hành. Đơn cử như sông Đà, đoạn qua huyện Ba Vì, mực nước năm nay so với năm 2021 hạ thấp đột biến, giảm 1-1,5m. “Nếu không chủ động cải tạo, nâng cấp, lắp trạm bơm dã chiến, điều tiết nguồn nước từ các hồ thủy lợi, ngành Nông nghiệp Hà Nội khó hoàn thành nhiệm vụ lấy nước phục vụ gieo cấy vụ xuân…”, ông Đặng Anh Tuấn khẳng định.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải thông tin: Năm 2021, Trạm bơm Trung Hà vẫn đủ điều kiện vận hành. Nhưng năm 2022, công trình này chỉ vận hành 1-2/9 tổ máy ở đợt lấy nước thứ hai. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của thành phố trong điều tiết nguồn nước hồ Suối Hai, gần 3.500ha thuộc vùng phụ trách của Trạm bơm Trung Hà đã có đủ nước gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ...

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích kiểm tra vận hành Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây).

Cải tạo, nâng cấp nhiều công trình lấy nước

Nhằm bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, vừa tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình để hạn chế hạ thấp, biến đổi lòng dẫn, gây khó khăn trong công tác vận hành công trình lấy nước… Bộ cũng đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị liên quan đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ đông xuân 2021-2022; cải tạo, nâng cấp một số công trình để bảo đảm đủ năng lực theo kịp tiến độ lấy nước của các địa phương khác…

Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 14-2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp, kế hoạch nâng cấp công trình, bảo đảm lấy nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ thủy điện; thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính về nguồn vốn, thủ tục thực hiện…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến thông tin: Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình lấy nước, tổng hợp diễn biến mực nước trên các sông: Hồng, Đà, Đuống trong những năm gần đây. Trên cơ sở đó, Sở xây dựng dự thảo báo cáo giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ thủy điện.

Đồng thời, Sở NN&PTNT đề xuất UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các trạm bơm: Sơn Đà (nằm trên địa bàn huyện Ba Vì), Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Vàng - Dương Xá (huyện Gia Lâm), cụm công trình đầu mối Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm). Sở cũng đề xuất UBND thành phố cho bổ sung dự án xây dựng các trạm bơm dã chiến Trung Hà và Liên Mạc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố; đồng thời giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022, thực hiện đầu tư và hoàn thành công trình trong năm 2023. Cùng với đó, đề xuất cho phép thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa bằng nguồn chi thường xuyên ngân sách thành phố đối với các dự án: Cải tạo, sửa chữa bể hút Trạm bơm Xuân Phú (huyện Phúc Thọ); cải tạo, sửa chữa Trạm bơm dã chiến Bá Giang (huyện Đan Phượng)...

Ngoài giải pháp công trình, Sở NN&PTNT cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các địa phương chuyển đổi diện tích khó khăn về nguồn nước sang nuôi, trồng các loại cây, con sử dụng ít nước có giá trị kinh tế tương đương hoặc cao hơn; khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… Tiếp cận thông tin nêu trên, lãnh đạo và nông dân các quận, huyện, thị xã mong muốn thành phố có bước đột phá trong công tác đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

 Kim Nhuệ - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ổn định thị trường lao động gắn với tiền lương

Từ ngày 1-4-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ điều tra về lao động, tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động để làm cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu năm 2023 và hoạch định chính sách liên quan. Đón nhận thông tin này, không ít ý kiến cho rằng, nhằm ổn định thị trường lao động thì việc gắn liền với tiền lương là cần thiết.

Xu hướng tiêu dùng giai đoạn “hậu COVID” đã thay đổi ra sao?

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt là giai đoạn “hậu COVID”. Với mong muốn tiết kiệm và sinh lời tối đa, ngày càng nhiều người lựa chọn sử dụng ngân hàng số để giải quyết nhu cầu tài chính trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1026871/phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-nang-cap-he-thong-thuy-loi