Phượng Cách (Quốc Oai): Nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?

20/08/2019 16:47

Kinhte&Xahoi Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phượng Cách (Quốc Oai, Hà Nội) đang bị "xẻ thịt" xây dựng nhà ở kiên cố trong suốt một thời gian dài mà không hề bị xử lý.

Gần đây, tòa soạn liên tục nhận được phản ánh của người dân sống tại khu vực trại Thổ Cải, đường đê Phượng Cách, xã Phượng Cách (Quốc Oai, Hà Nội) về việc khu vực có tồn tại nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến quy hoạch, mục đích sử dụng đất nông nghiệp và gây mất an ninh trật tự ở nông thôn nhưng vẫn không bị xử lý.


Nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Phượng Cách.

Nhận được phản ánh, PV đã có mặt tại đường đê Phượng Cách, trại Thổ Cải, hồ đê Yên Sơn thuộc xã Phượng Cách đề ghi nhận sự việc.

Theo quan sát của PV, tại khu vực đường đê Phượng Cách có nhiều công trình xây dựng được xây dựng trên đất nông nghiệp theo kiểu nhà cấp 4, có nhà xây 2 - 3 tầng đều được quây tôn kín mít ở hai bên mặt đường. Có những công trình đã hoàn thiện và đi vào sử dụng, những công trình còn lại đang trong quá trình thi công cũng gấp rút hoàn thiện.

Nhiều nhà xưởng mọc lên tại khu vực đường đê Phượng Cách.

Bên cạnh đó là những ngôi nhà kiên cố từ 2- 3 tầng.

Nhiều công trình trái phép trên đất nông nghiệp cũng xuất hiện tại khu vực trại Thổ Cải, xã Phượng Cách. Những công trình này được thiết kế và xây dựng kiên cố mà không hề bị chính quyền địa phương tiến hành xử lý hay tháo dỡ?.

Ngôi nhà nguy nga, bề thế mọc trên đất nông nghiệp tại khu vực trại Thổ Cải.

Một số hộ dân sinh sống tại xã Phượng Cách cho biết, từ nhiều năm nay đã diễn ra tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp. Ban đầu chỉ có vài hộ, sau đó các hộ khác đua nhau làm theo, thậm chí, có cả người ở địa phương khác tới đây mua đất nông nghiệp để xây nhà sinh sống. Ngoài ra, cũng có không ít các hộ kinh doanh ban đầu sử dụng khu đất của mình để xây nhà xưởng sản xuất, sau cũng xây nhà kiên cố nhiều tầng để sinh sống.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp tại xã Phượng Cách đang mọc lên nhiều ngôi nhà kiên cố, làm ảnh hưởng tới quy hoạch cũng như mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Người dân còn cho biết thêm, thời gian gần đây huyện Quốc Oai đang trong quá trình đô thị hóa, các dự án ở đây dần trở thành khu đất trung tâm, giá đất tăng đột biến nên nhiều người đã lợi dụng xây dựng trái phép để giữ và chiếm đất.

Việc để hàng loạt nhà xưởng, công trình “khủng” xây dựng kiên cố trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật, nhưng không hiểu vì lý do gì mà tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra tràn lan mà chưa được xử lý dứt điểm?

Liên quan đến sự việc trên, PV đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Đắc Hải – Chủ tịch xã Phượng Cách, tuy nhiên vị này luôn báo bận và hẹn sang ngày khác sẽ gặp và trả lời sau, nhưng cho đến hiện tại ông Hải vẫn “bặt vô âm tín”.

Để có câu trả lời thoả đáng đến dư luận cũng như đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đô thị của TP. Hà Nội, đề nghị UBND T.P Hà Nội sớm vào cuộc rà soát, làm rõ sai phạm, yêu cầu UBND xã Phượng Cách, UBND huyện Quốc Oai nhanh chóng vào cuộc kiểm tra xử lý sai phạm đúng theo quy định của pháp luật.

 Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhằm cường việc quản lý đất nông nghiệp, đất công, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ thị 04/CT-UBND, ngày 14/01/2014. Nội dung chỉ thị 04 nêu rõ: Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật. 

 Nhóm PV





CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Nhiều trường học "âm thầm" gỡ "danh xưng" trường quốc tế

Sau vụ học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong, nghi do bị bỏ quên trên xe ô tô, nhiều người tá hoả khi biết một số trường tự gắn mác “quốc tế” để thu hút người học. Hiện, một số trường đã “âm thầm” bỏ chữ “quốc tế” sau thông tin các cơ quan chức năng sẽ rà soát.

Nguồn: GĐ&PL