Quan niệm “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” dạy bạn trẻ điều gì?

26/01/2020 09:29

Kinhte&Xahoi Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, ngày Mùng 1 được coi là ngày của các lễ nghi như chúc tụng, mừng tuổi, dành cho người quan trọng nhất trong một gia đình...

Quan niệm “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” từ lâu đã sớm ăn sâu trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Sau một năm làm việc bận rộn, Tết chính là khoảng thời gian gia đình tụ họp, kể cho nhau nghe những câu chuyện đầu năm, chúc một năm mới nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng.

Và một lịch trình quen thuộc trong 3 ngày Tết nhiều người vẫn thường được nghe đó là “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” hay “Mùng 1 Tết nội, Mùng 2 Tết ngoại, Mùng 3 Tết thầy”.

Tuy nhiên trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nét văn hóa này có được các bạn trẻ hiểu đúng, đủ và duy trì? PV Dân tríđã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái để nghe bà chia sẻ về quan niệm này cũng như quan điểm về xu hướng lưu giữ nét đẹp của giới trẻ hiện nay.

Ý nghĩa của thành ngữ: “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy”

Người ta không xác định được thành ngữ “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” có từ bao giờ. Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam, chỉ có thể nói thành ngữ này được xếp vào Văn hóa dân gian.

Đây là nơi chốn ra đời các tác phẩm đặc thù như truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ… vốn là những tác phẩm văn học dân gian phi văn bản, phi tác giả và được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng.

Theo lịch âm dương của hệ lịch Á Đông, được tính kết hợp cả chu kỳ mặt trăng lẫn mặt trời, hệ thống lịch âm dương nằm ở phía dưới tờ lịch được treo trên tường, và được bóc mỗi ngày qua.

Tết chính là cuộc sum họp trong gia đình
Trên mỗi tờ lịch hiển thị một ngày với hai tên gọi, một tên theo lịch dương và một tên theo lịch âm dương, hay còn gọi là lịch ta để phân biệt với lịch tây.


Tên theo lịch tây gồm 365 ngày/năm - tính theo đơn vị mặt trời gồm 24 giờ một ngày. Tên các ngày trong tuần, tên tháng và năm, hoàn toàn theo số thứ tự. Còn theo lịch âm dương lại mang tên gọi, ngày, giờ, tháng, năm hoàn toàn khác.

Hai cái khác này lại dùng để chỉ một thời điểm về thời gian, là một ngày nhưng có hai cách gọi tên, bởi hai cách tính lịch khác nhau. Nên Tết tây sẽ vào ngày Mùng 1 trong 365 ngày, còn Tết ta theo lịch âm dương, bao giờ cũng chênh khoảng dưới hoặc trên 1 tháng.

Thí dụ năm nay, Mùng 1 Tết Canh Tý sẽ rơi vào ngày 25/01/2020. Do vậy Tết ta bao giờ cũng rơi vào sau Tết Dương lịch. Chính vì vậy trong thực tế, những quốc gia theo lịch âm dương thường niên đã ăn hai cái Tết. Tết tây theo dương lịch và Tết ta theo lịch âm dương.

Thời khắc quan trọng nhất của Tết ta là ngày Mùng 1 Tết. Tính theo lịch âm dương bao giờ cũng bắt đầu từ 23h00 đêm trước, cho đến 1h00 sáng Mùng 1, nên Giao thừa nhằm giờ Tý kéo dài 2 tiếng (vì chỉ có 12 tên gọi cho 24 giờ, mở đầu là giờ Tý và kết thúc là giờ Hợi).

Vì vậy, tính theo lịch ta ngày Mùng 1 là quan trọng nhất, nhưng trước ngày Mùng 1, đêm Giao thừa lại là quan trọng hơn cả. Nên thời khắc thiêng liêng đó được dành cho lễ gia tiên, cúng ông bà. Và lúc đó, lễ cúng gia tiên để khởi đầu cho ngày Mùng 1 Tết.

Ngày Mùng 1 Tết sở dĩ dành cho người cha vì trong quan niệm truyền thống dân gian Việt Nam, người cha bao giờ cũng ở vị trí cao nhất, là trên nóc nhà, bởi thế, “con không cha như nhà không nóc”.
 
Ngày Mùng 1 được coi là ngày các lễ nghi như chúc tụng, mừng tuổi, dành cho người quan trọng nhất trong một gia đình. Dân gian nói vậy, chứ không cụ thể là người cha. Khi còn cụ ông cụ bà hoặc ông bà thì ngôi cao nhất vẫn là của người cao tuổi nhất trong gia đình, nhất là đàn ông…

Mùng 2 sau một chút là Tết mẹ - người giữ tay hòm chìa khóa, đảm đương mọi việc chi tiêu, bếp núc, thường được gọi là “nội tướng” trong gia đình.


Sau cha và mẹ là thầy - người dạy cho con chữ và đạo làm người, để trở thành người tử tế, biết ăn nói gói mở, biết ứng xử phải đạo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, con cái...

Đã được tôn kính là thầy, thì với người Việt, phải “tôn sư trọng đạo”: Nửa chữ cũng là thầy, một chữ cũng là thầy, nên vào dịp Tết Mùng 3, hoặc có thể là Mùng 2 sẽ là Tết thầy.

Tất cả những hành vi Tết đó của người Việt đã tạo nên một phong tục lễ Tết rất nhiều ý nghĩa giáo dục và nhân văn, nâng sâu sắc đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng.


PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (ảnh: Việt Trần)
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (ảnh: Việt Trần)

Tết là dịp sum họp duy nhất và đầy đủ nhất của gia tiên, gia thần và gia đình, một cuộc đại đoàn viên ấm cúng nhất. Ai cũng được thêm một tuổi, nên tục mừng tuổi thật có ý nghĩa về tính cộng đồng và thành một tục lệ rất đẹp của Tết Việt

Ngoài ra, Tết lại rơi vào 2 loại năm là năm thường và năm nhuận. Vì tính theo lịch ta, cứ gần 3 năm lại dôi ra khoảng 30 ngày nên sẽ có quay vòng, cứ gần 3 năm lại có một năm nhuận một tháng.


Vì vậy ý nghĩa những ngày Tết đã được dân gian xếp theo thứ tự, thứ bậc xã hội. Và quan niệm của người Việt Nam về chuyện thờ cúng, chúc Tết nhau sẽ chúc Tết từ gia đình mình đến họ hàng, hàng xóm láng giềng....

Bởi vậy, ý nghĩa trọng thể nhất của phong tục lễ Tết chính là cuộc sum họp trong gia đình. Về quê ăn Tết có nghĩa là về quê sum họp dưới một mái nhà, để ăn Tết và tiến hành nghi lễ dành cho người ruột thịt. Cho nên mới có thành ngữ: “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy”.

Thế hệ trẻ nên ứng xử như thế nào trước những nét đẹp của phong tục Tết

Việc chuyển động và thêm thắt, buông bỏ những phong tục hoặc thói quen truyền thống cũng là chuyện đôi khi/nhiều khi xảy ra trong sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại.

Xã hội Việt Nam truyền thống vốn là một xã hội nông nghiệp căn bản là thuần nông, trong sự phát triển hiện đại, với những mục tiêu mới: công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa mà theo cụ Đào Duy Anh từng nhận định: đó là “bi kịch của sự phát triển”.

Xã hội Việt Nam hiện đại cần phải chấp nhận và tìm cách giải quyết hữu hiệu bi kịch này. Và nền Giáo dục Việt Nam hiện đại sẽ phải là nơi tìm phương pháp tư duy nào tốt nhất để giải quyết bi kịch của sự phát triển.

Vấn đề là phải trang bị cho những người trẻ một phương pháp tư duy chính xác để có thể giúp họ vừa giữ gìn và bảo vệ những nét đẹp của phong tục, văn hóa dân tộc.


Như cách ứng xử đẹp với ông bà, cha mẹ trong việc thực hiện những nghi lễ truyền thống trong lễ Tết, lễ hội và biết tiếp thu những phong tục văn hóa tốt đẹp của thế giới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý lừng lẫy tại Việt Nam

Người tuổi Chuột có bản năng tự nhiên là yêu đồng tiền. Một người sếp sinh vào năm Tý sẽ rất chăm lo cho nhân viên. Tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý này là những người có điểm chung về triết lý quản trị đúng như trên.

Theo Dân Trí/ Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/quan-niem-mung-1-tet-cha-mung-2-tet-me-mung-3-tet-thay-day-ban-tre-dieu-gi-d115802.html