Ricons kinh doanh ra sao?

21/07/2023 13:23

Kinhte&Xahoi Bước sang quý đầu tiên của năm 2023, Xây dựng Ricons đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Sự việc đáng tiếc đã xảy ra tại công trường thi công nhà máy Foxconn trong KCN Quang Châu (Bắc Giang).

Trước đó, như đã từng thông tin, ngày 17/7, một vụ việc tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng dự án “Nhà máy công nghệ chính xác Fulian” trong Khu công nghiệp Quang Châu.

Cụ thể, trong lúc các công nhân đang thi công lắp đặt cần cẩu tháp phục vụ dự án thì bất ngờ chân cẩu nghiêng rồi đổ sập về hướng các công nhân đang thi công dưới chân tháp. Sự cố khiến 3 người bị thương, có 2 trường hợp bị thương nhẹ và 1 trường hợp bị nặng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị có trách nhiệm đã đưa 3 người bị thương tới bệnh viện, qua kiểm tra sức khỏe các bệnh nhân đã xuất viện ngày 18/7.

Không chỉ vậy, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo đơn vị thi công và chủ đầu tư quan tâm, tập trung hỗ trợ chữa trị cho người lao động. Đồng thời tổ chức họp phân tích sự cố kỹ thuật, nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm để ngăn ngừa sự cố kỹ thuật.

Được biết, đơn vị thi công dự án này là Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons (sau đây, gọi tắt là: Xây dựng Ricons). Trong khi đó, đơn vị lắp cẩu tháp là Công ty TNHH thương mại Dịch vụ Thiết bị Đại Lực.

Chủ đầu tư là Công ty TNHH PRECISION TECHNOLOGY COMPONENT FULIAN (mã số doanh nghiệp - 2400952127) địa chỉ tại Lô CN1, Khu công nghiệp Quang Châu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên. Người đại diện pháp luật là CHUANG, TZU-YI. Ngoài ra CHUANG, TZU-YI còn đại diện các doanh nghiệp như: Công ty TNHH FUNING PRECISION COMPONENT, Công ty TNHH FUHONG PRECISION COMPONENT (BẮC GIANG), Công ty TNHH Công nghệ chính xác FUYU. Cả 3 công ty này nằm trong hệ thống Công ty Foxconn.

Đầu tháng 6/2023, phía Xây dựng Ricons đã trúng thầu dự án Nhà xưởng lô CN1, Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Trên trang của Ricons, đơn vị này khẳng định: “Trong vai trò Tổng thầu, Ricons sẽ đảm nhận thi công kết cấu và hoàn thiện cho 2 nhà xưởng A01 và A02, mỗi xưởng 5 tầng với diện tích là 69.000m2/xưởng”.

Trước đó, tại Khu công nghiệp Quang Châu, Xây dựng Ricons đã triển khai thành công 7 xưởng F12, F16, F17, F06, M08, M09 và M11. 

Được biết, Xây dựng Ricons cũng là một trong nhiều nhà thầu tham dự Gói thầu 5.10 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách) có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ricon nằm trong liên danh VIETUR, đây cũng là liên danh có nhà thầu ngoại đứng đầu - Tập đoàn Công nghiệp và Thương Mại Xây Dựng IC ISTAS – thuộc tập đoàn IC holding của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong liên danh VIETUR, còn có sự xuất hiện của một số nhà thầu có liên quan đến hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương như: Ricons, Newtecons và SOL E&C. Trong đó, Newtecons và Ricons đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Xây dựng Ricons đang kinh doanh ra sao

Xây dựng Ricons được biết đến với hoạt động chính của Công ty và các công ty con là cung cấp dịch vụ thiết kế và xây dựng, lắp đặt thiết bị, trang trí nội thất, cho thuê văn phòng và kinh doanh bất động sản…

Tại ngày 31/12/2022, Xây dựng Ricons ghi nhận số lượng nhân viên của Công ty là 1.035 người.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán, Xây dựng Ricons ghi nhận hơn 11.384 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2022, tăng 41% so với với năm trước.

Trong đó, doanh thu từ các hợp đồng xây dựng đóng góp gần 11.218 tỷ đồng, cũng tăng xấp xỉ 41% và chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của Công ty.

Ảnh minh họa. (nguồn: Mekong Asean)

Tuy nhiên, mức tăng giá vốn có phần nhỉnh hơn (giá vốn trong năm 2022 đạt hơn 11.178 tỷ đồng), khiến lãi gộp của Công ty giảm 12%, còn 206 tỷ đồng. 

Doanh thu tài chính và lợi nhuận khác lần lượt tăng 97% và 19%. Kết quả, Xây dựng Ricons lãi ròng gần 91 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 13% so với năm 2021. 

Đáng chú ý, nợ phải trả và lãi vay của Xây dựng Ricons tăng khá mạnh trong năm 2022. Theo đó, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, doanh nghiệp này ghi nhận chỉ tiêu nợ phải trả tăng 49% so với hồi đầu năm, lên gần 5.786 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2022, vay ngắn hạn của Xây dựng Ricons cũng tăng gấp hơn 3 lần số đầu năm, ghi nhận gần 754 tỷ đồng, toàn bộ đều là các khoản vay ngân hàng. 

Chi phí lãi vay của công ty tăng vọt từ hơn 1 tỷ đồng lên gần 24 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến nợ phải trả tăng chủ yếu nằm ở giá trị khoản mục phải trả người bán ngắn hạn tăng 56%, lên 3.497 tỷ đồng.

Mặc dù có được những kết quả kinh doanh tương đối thuận lợi trong năm 2022, nhưng bước sang quý đầu tiên của năm 2023, Xây dựng Ricons đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu thuần đạt trên 1.718 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ do 2 mảng cốt lõi đều suy yếu: doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 1.699 tỷ đồng, giảm 12% và doanh thu hoạt động bất động sản đầu tư đạt 16 tỷ đồng, giảm 78%.

Lợi nhuận trước thuế của Xây dựng Ricons trong quý đầu năm chỉ đạt 15,4 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. 

Nợ phải trả đã giảm nhưng vẫn gấp 1,96 lần vốn chủ sở hữu 

Đáng chú ý, nợ phải trả của Xây dựng Ricons trong quý đầu năm đã giảm gần 18% so với hồi đầu năm, xuống còn 4.753 tỷ đồng. Nguyên nhân là do khoản phải trả người bán ngắn hạn cùng với vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đều giảm.

Dù vậy, nợ phải trả của Xây dựng Ricons vẫn đang gấp 1,96 lần vốn chủ sở hữu của Công ty.

Tại thời điểm kết thúc quý 1/2023, Xây dựng Ricons ghi nhận tài sản ngắn hạn giảm tới 15% so với hồi đầu năm, xuống còn 6.182 tỷ đồng. Nguyên nhân là do, tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 808 tỷ đồng xuống còn 336 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của công ty cũng giảm từ 922 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống còn 650 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2023. Cụ thể, Công ty cho biết chi phí xây dựng dở dang giảm là nguyên nhân chính giúp cho hàng tồn kho của Công ty giảm.

Tại ngày 31/3/2023, Xây dựng Ricons ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại Công trình SLP Park Xuyên Á (111,6 tỷ đồng), Công trình Kim Chung Di Trạch (77,6 tỷ đồng), Công trình Imperia Smartcity P5, 6, 7 (73,5 tỷ đồng) và các công trình khác là hơn 387 tỷ đồng.

Một nguyên nhân khác khiến tài sản ngắn hạn của Xây dựng Ricons giảm đó là sự sụt giảm của khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (giảm từ 4.259 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 3.755 tỷ đồng ở thời điểm kết thúc quý 1/2023).

Theo đó, Xây dựng Ricons ghi nhận phải từ từ CTCP Gamuda Land (HCMC) giảm từ 971 tỷ đồng xuống còn 427 tỷ đồng, trong khi phải thu của các khách hàng khác là 2.878 tỷ đồng….

Trong quý 1/2023, dòng tiền kinh doanh của Xây dựng Ricons âm gần 126 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả. Dòng tiền cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 251 tỷ đồng.

Cùng với đó, Xây dựng Ricons vẫn đẩy mạnh việc chi trả nợ gốc vay (gấp 3 lần cùng kỳ), khiến lưu chuyển tiền và tương đương tiền trong kỳ âm 471 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2022 là dương hơn 110 tỷ đồng.

Hồi cuối tháng 6/2023, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons đã tổ chức Đại hồi đồng cổ đông thường niên 2023, thông qua kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ là 50 tỷ đồng – giảm mạnh so với thực hiện của năm 2022.

Theo Xây dựng Ricons, ngành xây dựng và bất động sản Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng mới với nhiều rủi ro mang tính toàn diện, khó lường. Xây dựng Ricons đang đối diện với những khó khăn và thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập đến nay. Trong bối cảnh này, Xây dựng Ricons đã thận trọng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023.

Đáng chú ý, Nghị quyết đại hội đồng cổ đông của Xây dựng Ricons cũng đã thông qua việc hoãn phương án niêm yết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông trước đây, cũng như hoãn đăng ký giao dịch cổ phiếu Ricons cho đến khi thị trường tích cực.

Gói thầu 5.10 của Dự án Sân bay Long Thành không đáp ứng tiến độ

Văn phòng Chính phủ mới ban hành văn bản số 5208/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về triển khai Gói thầu 5.10, thuộc dự án thành phần 3, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến Gói thầu 5.10 thuộc Dự án thành phần 3, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ Dự án theo yêu cầu của Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo quyết liệt Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam để sớm lựa chọn được nhà thầu phù hợp theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam. Dự án được thiết kế có công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành. Trong số các gói thầu của dự án, Gói thầu số 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách" là gói thầu lớn nhất, với quy mô 35.233 tỷ đồng. 

Được biết, Xây dựng Ricons cũng là một trong nhiều nhà thầu tham dự Gói thầu 5.10 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách) có tổng giá trị hơn 35.000 tỷ đồng là gói thầu lớn nhất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ricon nằm trong liên danh VIETUR, đây cũng là liên danh có nhà thầu ngoại đứng đầu - Tập đoàn Công nghiệp và Thương Mại Xây Dựng IC ISTAS – thuộc tập đoàn IC holding của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/ricons-kinh-doanh-ra-sao-d196496.html