Rủi ro rình rập trong các cụm công nghiệp

25/02/2020 11:02

Kinhte&Xahoi Nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các DN công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời gian qua Hà Nội đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều cụm công nghiệp (CCN).

Tuy nhiên, vẫn còn không ít CCN thiếu hệ thống hạ tầng, quản lý lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Nhiều bất cập về hạ tầng 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 70 CCN với tổng diện tích 1.686 ha, trong đó có 26 CCN đã đầu tư xây dựng đồng bộ, hoạt động ổn định, 44 CCN như: Xà Cầu (Ứng Hòa), Chàng Sơn (Thạch Thất), Bích Hòa (Thanh Oai), Yên Sơn (Quốc Oai)… chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy định.

Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: Nhiều CCN hình thành mang tính tự phát, nằm lẫn với khu dân cư, không có quy hoạch hạ tầng giao thông riêng. Hầu hết CCN tự phát đều chưa được đầu tư hệ thống cây xanh, một số cụm không có hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng dẫn đến việc thoát nước kém, thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa to, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

 Sản xuất tại Nhà máy xích líp Đông Anh. Ảnh: Thu Hương

Thực tế, các CCN chưa được hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng đã đi vào hoạt động chủ yếu hình thành từ lâu, khi đó cơ quan quản lý chỉ tiến hành giao đất cho các DN đầu tư nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh nên thiếu trạm xử lý nước thải tập trung, hệ thống phòng, chống cháy nổ… Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa bảo đảm về yêu cầu giao thông, phòng cháy, chữa cháy tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Thiếu đồng bộ vì lo tốn kém!

Lý giải nguyên nhân vì sao còn nhiều CCN trên địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết: Trong giai đoạn đầu phát triển các CCN, một số huyện muốn đẩy nhanh tiến độ thu hút nhà đầu tư, cho nên vừa xây dựng hạ tầng vừa tiếp nhận DN.

Ngoài ra, phần lớn các CCN được hình thành, phát triển từ làng nghề nên mang tính tự phát dẫn đến các hạng mục về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy thường bị bỏ qua do chi phí đầu tư trang thiết bị rất tốn kém. Chưa kể các CCN do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng từ ngân sách, cho nên kinh phí để đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các CCN rất hạn chế.

Để khắc phục những bất cập này, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023” với kinh phí khoảng 4.075,3 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng cho các CCN chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật là 1.562 tỷ đồng.

Ngoài ra sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các DN là chủ đầu tư các CCN thành lập mới thuộc địa bàn các huyện khó thu hút đầu tư như: Ba Vì, Mỹ Đức... Ngoài ra, để xây dựng một mạng lưới CCN đồng bộ hạ tầng, có sức cạnh tranh cao, giảm ô nhiễm môi trường… mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1292/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch phát triển CCN TP Hà Nội. Theo đó, đến năm 2030 TP có 159 CCN với tổng diện tích 3.204ha với tổng vốn đầu tư 49.425 tỷ đồng.

Theo quy định mới, các CCN chỉ được dành nhiều nhất 70% diện tích để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, diện tích còn lại phải bố trí cho các công trình giao thông, tiêu thoát nước, xử lý nước thải, dịch vụ hỗ trợ, cây xanh…”. CCN phải xây dựng theo đúng quy định, có trạm xử lý nước sạch, trạm biến áp cung cấp điện, hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt, xử lý nước thải, chất thải rắn, mọi nhà đầu tư, chủ cơ sở sản xuất phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Với sự chỉ đạo sát sao của TP, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và địa phương, trong thời gian tới các CCN sẽ thay đổi tích cực, tạo đà cho DN sản xuất hàng Việt phát triển mạnh mẽ tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô.

 Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng:

Theo quy hoạch phát triển CCN TP Hà Nội xét đến năm 2030 tại quận Long Biên, các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm ở phía bắc Thủ đô sẽ phát triển các CCN với các DN công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, dệt may, sản xuất ô tô... Các CCN tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên ưu tiên các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp sinh học, chế biến nông sản hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các huyện phía Tây Hà Nội sẽ phát triển các ngành công nghiệp sinh học, hóa dược, điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, công nghệ cao… gắn với phát triển vùng kinh tế Tây Bắc và đường Hồ Chí Minh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/rui-ro-rinh-rap-trong-cac-cum-cong-nghiep-375916.html