Sau 3 năm, Dự án Nhà máy Nhiệt điện tỷ đô vẫn nằm trên trang giấy

04/10/2018 14:53

Kinhte&Xahoi Sau 3 năm khởi công, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) vẫn là “dự án trên giấy”, hệ lụy đã ảnh hưởng đến cuộc sống của cả ngàn người dân nằm trong vùng quy hoạch.

Những ngày cuối tháng 9/2018, có mặt tại địa điểm được quy hoạch xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (gọi tắt là Dự án nhiệt điện) được xây dựng trên diện tích 150ha, do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư với kinh phí dự kiến khoảng 2,2 tỷ USD.

Khu đất khởi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 chỉ là một bãi đất trống.

Dự kiến nhà máy sẽ phát điện vào năm 2020 và hàng năm cung cấp vào mạng lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ KWh điện.

Nhưng tới nay, ở đây chỉ là bãi đất trống, tấm biển dự án đã bị bong rách gần hết. Một người dân trong vùng nói: “Thấy Dự án về khởi công rầm rộ, hoành tráng lắm, nghe nói lên đến tiền tỷ Đô la nhưng ba năm nay vẫn không thấy triển khai.

Chỉ khổ người dân chúng tôi sống trong vùng quy hoạch muốn xây cái nhà khang trang cũng không được, muốn chia cho con cái mảnh đất làm nhà cũng không xong. Dự án có làm nữa hay không để người dân chúng tôi còn biết để lo liệu cuộc sống…”.

Theo ông Lê Bá Vân – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, thời điểm khởi công Dự án, chủ đầu tư mượn đất của một công ty trên địa bàn để thực hiện. Từ thời điểm khởi công đến nay không có bất cứ động tĩnh gì thực hiện Dự án. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như đời sống người dân nằm trong vùng quy hoạch.

Theo đó, Dự án đã ảnh hưởng đến hơn 200 hộ dân với gần 1.000 người đang sinh sống tại hai xóm Tân Minh và Đồng Minh. Bản thân người dân trong vùng quy hoạch không muốn di dời đến nơi ở mới nên sau khi trích đo, người dân không đồng ý ký biên bản để lập phương án đền bù.

Vẫn theo ông Vân, để phục vụ cho việc tái định cư (TĐC) đã có 3 khu TĐC được xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng do dự án cũng chưa thấy thực hiện quyết liệt nên vẫn đang xây dựng dở dang. Điều này gây ảnh hưởng do không được tách thửa vì đất nằm trong quy hoạch, nhà cửa nhiều gia đình xuống cấp muốn xây dựng mới cũng không xong.

“Nguyện vọng của chính quyền xã cũng như người dân là mong muốn Dự án được sớm thực hiện, không kéo dài gây ảnh hưởng đến người dân trong xã.

Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội hay họp HĐND các cấp, người dân và chính quyền xã đều đặt câu hỏi về tiến độ dự án nhưng cũng chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện. Cũng cần tạo điều kiện hoặc có những chính sách đặc thù đối với người dân trong vùng quy hoạch như sửa chữa nhà cửa để đảm bảo sinh hoạt”, ông Vân nói.

Còn ông Phạm Văn Hóa – Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (KKT Đông Nam) cho biết, Dự án nhiệt điện trên nằm trong KKT Đông Hồi thuộc Ban Quản lý KKT Đông Nam, khởi công từ năm 2015 đến nay vẫn nằm im.

Được biết, bên cạnh Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 thì Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 cũng đang được tỉnh kêu gọi nhà thầu đầu tư, hiện đang giao cho một tập đoàn Hàn Quốc vào nghiên cứu đầu tư.

“Đối với Dự án nhiệt điện 1, đã nhiều lần tỉnh và Ban quản lý KKT Đông Nam làm việc với chủ đầu tư đề nghị triển khai sớm, nếu không thì trả lại cho tỉnh để kêu gọi nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, chủ đầu tư là TKV vẫn khẳng định “Chính phủ đã giao cho TKV thì TKV sẽ thực hiện chứ không trả”. Nhưng đến nay mọi việc cũng chỉ nằm trên giấy”, ông Hóa nói.

Cũng theo ông Hóa, việc chậm triển khai Dự án kéo theo hệ lụy là xã Quỳnh Lập muốn phát triển kinh tế cũng khó vì dân đang nằm trong vùng quy hoạch không thể xây dựng hay đầu tư.

Hiện ba khu tái định cư với gần 100ha đã được triển khai xây dựng cơ sở vật chất nhưng cũng chưa xong hẳn vì Dự án nhiệt điện không biết khi nào triển khai.

KKT Đông Hồi được đánh giá là vùng phát triển kinh tế trọng điểm của khu công nghiệp Nam Thanh - Bắc Nghệ. Với Dự án nhiệt điện 1 khi được triển khai sẽ tạo điều kiện để các ngành công nghiệp phát triển, đưa kinh tế vùng nói riêng và toàn tỉnh nói chung cũng như khu vực Bắc Trung Bộ có đà phát triển.

Tuy nhiên, với một dự án tỷ USD được khởi công rầm rộ nhưng chỉ “vẽ voi trên giấy” khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn thì lại đi ngược lại với ý nghĩa to lớn của dự án.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

9 tháng, cả nước có thêm 96.611 doanh nghiệp mới

Tính chung 9 tháng, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.