Đây là số tiền mà ông Feeney đã cho đi trong suốt hơn 4 thập niên qua. Thông qua Atlantic Philanthropies (quỹ Đại Tây Dương), ông không ngừng hỗ trợ cho các tổ chức từ thiện, trường đại học và các quỹ nhân đạo trên toàn thế giới. Ông Feeney cũng được cho là đã dành 270 triệu USD để cải thiện hệ thống y tế công của Việt Nam.
Vị tỷ phú này chính là người đồng sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế khổng lồ Duty Free Shoppers. Kiếm được rất nhiều tiền nhưng ông Chuck Feeney lại sống một cuộc đời vô cùng khiêm nhường và giản dị.
Năm 2012, ông Feeney cho biết, ông chỉ giữ lại 2 triệu USD để hai vợ chồng ông sống những năm tháng cuối đời. Điều đó có nghĩa là số tiền mà vị tỷ phú cho đi gấp khoảng 4.000 lần phần mà ông giữ lại cho riêng mình. Ngày 14/9 vừa rồi, ông Feeney chính thức hoàn thành tâm nguyện “cho đi khi còn sống” khi khối tài sản 8 tỷ USD đã được phân phát hết.
“Thật thú vị khi bạn được cho đi lúc bạn còn đang sống trên cõi đời này, bởi khi bạn chết đi rồi bạn cũng không thể mang tiền của đi cùng” - ông Feeney đã nói như vậy đấy!
Việc người giàu làm từ thiện không phải hiếm nhưng cho đi gần như toàn bộ gia sản và sống chắt chiu thì quả thực rất khó tìm.
Trên quan điểm của người viết, sự cho đi dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả những người ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu dành tiền từ thiện hay đánh giá, số tiền quyên góp của người này là nhiều hay là ít. Nếu thu nhập chính đáng thì sử dụng tiền ra sao là quyền của họ, phải vậy không ạ?
Thế nhưng, thực tế là trong khi có những người “giàu có” và “cao quý” thì cũng có những người chỉ được gọi là “lắm tiền” và “trọc phú”, chính bởi cách tiêu tiền, dùng tiền khác nhau.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát rằng:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi”…
Còn quan điểm của vị tỷ phú Mỹ cũng thật là giản dị: “Sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng”. Bây giờ, ông đã nhẹ nhõm vì chính thức hết tiền, nhưng có thể ông là vị tỷ phú hạnh phúc nhất và cũng giàu có nhất trên thế giới này!
Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên trước những miêu tả về cuộc sống vợ chồng tỷ phú Chuck Feeney. Họ thừa sức mua được những căn biệt thự sang trọng nhất thế giới, thế nhưng họ lại chọn một căn nhà bình dân ở thành phố San Francisco (Mỹ) với nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách. Thậm chí có người còn ví von, không gian sống của vợ chồng ông giống như phòng ốc của sinh viên đại học trong ký túc xá vậy.
Đến đây, có vẻ như ai vẫn còn băn khoăn: “Tiền nhiều để làm gì”, phần nào đã có câu trả lời cho riêng mình.
Biết bao người suốt cả cuộc đời theo đuổi sự giàu có và danh vọng, nhưng khi có trong tay danh vọng và sự giàu có, họ lại đánh mất chính mình. Tất cả lại trở về trống rỗng và con số 0 tròn trĩnh.
Tiền không thể mang theo khi chết. Tiền cũng không thể mang theo khi thân bại danh liệt, khi tù tội… “Miệng ăn núi lở”, bao nhiêu tiền nếu phung phí rồi cũng hết. Nhưng, những đồng tiền được cho đi có thể sẽ cứu sống hoặc thay đổi số phận của rất nhiều cuộc đời nghèo khổ và bất hạnh.
Dù rằng chúng ta chưa thể (hoặc không thể) tạo nên những quỹ khổng lồ như tỷ phú Feeney, song, mỗi đóng góp của độc giả gửi về Chương trình Tấm lòng Nhân ái cũng đều đáng quý. “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cùng nhau, độc giả Dân Trí suốt hơn 15 năm qua đã tạo nên biết bao kỳ tích. Ngay cả những vấn đề tiêu cực mà chúng ta đang cùng nhau đấu tranh, loại bỏ, cũng là để cuộc sống này trở nên tươi đẹp, công bằng hơn.
Và bởi vậy, tôi vẫn luôn tự hào về tờ báo mà mình đang làm việc và cống hiến - Dân Trí, với tinh thần nhân bản, nhân văn và nhân ái!
Bích Diệp - Theo Dân Trí