Sửa đổi quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng

21/05/2019 14:57

Kinhte&Xahoi Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

Theo Nghị định số 43/2019/NĐ-CP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngoài quyền quy định trình tự, thủ tục thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng còn được phân cấp thẩm quyền trong thực hiện hoạt động giám sát ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Nghị định số 43/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ hơn về Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Cụ thể, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng gồm các Vụ, Cục, Văn phòng. Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng được ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng được giao (trừ các cuộc thanh tra do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra theo quy định); thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định số 43/2019/NĐ-CP, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quản lý nhà nước, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố đối với các đối tượng quản lý, thanh tra và giám sát ngân hàng trên địa bàn theo sự phân công, phân cấp, ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và theo quy định của pháp luật. Riêng Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tương đương Chi cục thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hành về công tác, nghiệp vụ thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

Ngoài ra, Nghị định số 43/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thanh tra lại...

Theo VGP/ Hoà Nhập

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Doanh nghiệp vẫn nhọc nhằn với thủ tục thuế

Thủ tục phức tạp nhưng chậm chạp giải đáp, cập nhật thông tin không kịp thời, cơ quan thuế chưa tích cực và chủ động phối hợp với doanh nghiệp (DN) để đẩy nhanh việc thực thi nghĩa vụ thuế. Những điểm hạn chế này đang gây khó khăn và làm tăng chi phí tuân thủ nghĩa vụ thuế của DN.

Thông tin mới về vụ bột canh không chứa I- ốt

Theo đại diện Chi cục Quản lý Chất lượng Nông- Lâm và Thủy sản (Chi cục QLCLNL&TS) tỉnh Điện Biên, cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đơn vị này đã tổ chức lấy mẫu giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với muối và bột canh tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ.