Sức mạnh tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19

16/04/2020 16:15

Kinhte&Xahoi Mới đây, tờ báo The Guardian (Anh) đã có một bài viết mang tựa đề "Trong chiến tranh, chúng tôi vẽ: Nghệ sĩ Việt Nam tham gia cuộc chiến chống lại Covid-19". Trong đó tác giả đề cập tới những đóng góp của giới họa sĩ Việt thông qua các tác phẩm tranh cổ động, cũng như loạt tín hiệu thành công bước đầu của Việt Nam trong những nỗ lực ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Một mẫu tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: Cục Văn hóa cơ sở cung cấp)

Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tranh cổ động là loại hình mỹ thuật non trẻ nhưng đã trưởng thành mau chóng, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Tranh cổ động còn được gọi là tranh áp-phích, dùng để tuyên truyền, cổ động, gây ấn tượng về màu sắc, hình ảnh, bố cục khác với các dòng tranh khác. Thông tin thể hiện qua phần chữ và phần ảnh đều rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân mọi miền dễ dàng lĩnh hội thông điệp một cách nhanh chóng, trực diện, từ đó tạo hiệu quả cảm xúc thẩm mỹ, thúc giục, kêu gọi mọi người cùng quyết tâm hành động...

Tác phẩm của họa sĩ trẻ Lê Đức Hiệp có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

Không phải đến thời điểm này mà chúng ta mới thấy vai trò và sức mạnh của dòng tranh cổ động Việt Nam. Ngược dòng thời gian, chúng ta đã thấy sự xuất hiện và đóng góp của tranh cổ động vào nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhiều bức tranh cổ động đã ra đời và đến nay vẫn được nhiều người nhắc tới, được giới sưu tập rất quan tâm. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong cuộc cách mạng của dân tộc với sự có mặt của thế hệ họa sĩ yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Thuận... cùng nhiều tác giả giàu tâm huyết với tự do, độc lập của Tổ quốc.

Bên cạnh một số tác phẩm có ghi tên người sáng tác, nhiều bức tranh tuyên truyền cổ động ra đời thời kỳ chiến tranh đều khuyết danh tác giả. Một số họa sĩ thời kỳ đó từng kể, được phục vụ kháng chiến là niềm hạnh phúc của họ, được góp chút khả năng của mình vào kháng chiến là rất vẻ vang rồi. Các họa sĩ thường nghĩ công sức của mình rất nhỏ bé, nằm trong công sức của nhiều người. Chính vì thế vẽ xong họ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp mà là những chiến sĩ, trong hoàn cảnh đặc biệt cần đến sự cổ vũ, tuyên truyền, họ cầm bút vẽ, phục vụ các nhiệm vụ trong kháng chiến.

Trong chặng đường phát triển của đất nước, kể cả những khi do điều kiện thời chiến khó khăn, tranh cổ động dù chỉ được sáng tác bằng tay, với công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian. Các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới, sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao. Họ biến tranh cổ động thành công cụ chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ truyền tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc, đồng thời tái tạo chân thực mọi mặt của đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2), những bức tranh cổ động với nhiều thông điệp súc tích đã xuất hiện tại khắp ngõ, phố…

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam trong việc tuyên truyền những sự kiện, vấn đề thời sự của đất nước.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, trong bối cảnh cả nước “căng mình” đẩy lùi dịch Covid-19, những tác phẩm này có tác dụng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân.

Hiện nay, dù các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ nhưng tranh cổ động vẫn khẳng định được vai trò, ưu thế riêng trong việc truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.

“Những bức tranh cổ động mới ra đời trong thời gian gần đây với thông điệp đẩy lùi dịch Covid-19 đã tiếp nối ý nghĩa của dòng tranh đặc biệt này trong việc cổ vũ tinh thần đoàn kết, kết nối sức mạnh cộng đồng trong những thời điểm khó khăn”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Việc liên tiếp cho ra đời những bức tranh cổ động với thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 cũng cho thấy trách nhiệm công dân của các họa sĩ.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong thời gian ngắn (từ ngày 10 - 15/3), đơn vị này đã nhận được 103 tác phẩm tranh cổ động đạt chất lượng của 23 họa sĩ hưởng ứng cuộc vận động sáng tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, các tác phẩm thể hiện thông điệp rõ ràng, gần gũi về những biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2, cách ứng xử, nâng cao ý thức cộng đồng, chọn lọc khi tiếp nhận thông tin, chung tay đẩy lùi dịch bệnh…

Trên cơ sở 103 tác phẩm gửi về tham gia cuộc vận động sáng tác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn 14 mẫu để in 700.000 bản, đề nghị UBND xã, phường, thị trấn thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức treo, dán ở những khu vực công cộng, các điểm sinh hoạt cộng đồng, bảng tin… Việc này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tới các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ trẻ đã cho ra đời những bức tranh cổ động có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Bức tranh với thông điệp “Ở nhà là yêu nước” của họa sỹ Lê Đức Hiệp nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả.

Những lời nhắn gửi, kêu gọi hành động (Ai ho báo y tế, ai tung tin giả báo công an, ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng) cùng số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng được họa sĩ trẻ thể hiện sinh động, dễ hiểu, phản ánh đúng tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ.

“Khi Chính phủ đã ra lời kêu gọi người dân ở nhà, không tập trung đông người để ngăn chặn dịch bệnh, tôi vẫn thấy có nhiều người tụ tập ở những địa điểm công cộng, quán xá… Tình trạng này nếu kéo dài sẽ phá hỏng mọi nỗ lực dập dịch. Điều đó thôi thúc tôi vẽ một bức tranh để kêu gọi những người xung quanh nâng cao ý thức cộng đồng. Hình ảnh một nhân viên y tế và một thanh niên trẻ cùng đeo khẩu trang, nắm tay nêu cao khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của lực lượng y tế và người dân trong “cuộc chiến” chống Covid-19”, họa sĩ Lê Văn Hiệp chia sẻ.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hôm nay, 16-4, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức “Đối thoại với doanh nghiệp” để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Sản xuất khẩu trang có dễ 'hái ra tiền'?

Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp trên toàn thế giới, một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp trong ngành, sản xuất khẩu trang đang là “cỗ máy in tiền”. Công suất sản xuất khẩu trang của Việt Nam là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/suc-manh-tranh-co-dong-phong-chong-dich-covid-19-d2082347.html