Tại sao có người nhiễm cùng lúc 2 biến thể của virus SARS-CoV-2?

16/03/2022 16:10

Kinhte&Xahoi Theo bác sĩ về bệnh truyền nhiễm Kurt Krause, Giáo sư Hóa sinh tại Đại học Otago (New Zealand), một người có thể nhiễm cả hai biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 cùng lúc khi các yếu tố sau xảy ra đồng thời.

Một người có thể nhiễm cùng lúc 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Saed Hindash)

Theo Giáo sư Kurt Krause, một người có thể nhiễm cả hai biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 thì người đó trước tiên phải nhiễm biến thể Omicron (BA1 hoặc BA2), trong khi cơ thể chưa sinh phản ứng miễn dịch với virus thì người đó tiếp tục tiếp xúc với biến thể Delta. Khi đó hiện tượng đồng nhiễm sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, Giáo sư Krause cho rằng rất hiếm xảy ra trường hợp một người cùng lúc tiếp xúc với hai loại virus khi họ chưa có miễn dịch với cả hai. Cụ thể, khi một người đã có kháng thể với một loại biến thể, họ sẽ có khả năng ngăn chặn lây nhiễm từ biến thể khác.

Theo Giáo sư Krause, đến nay mới chỉ có một số ít trường hợp đồng nhiễm được ghi nhận, do đó hiện chưa thể xác định rõ mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này trên diện rộng.

Các chuyên gia cho rằng dù đồng nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 rất hiếm, nhưng tình trạng lây nhiễm kép các virus gây bệnh đường hô hấp khác rất phổ biến.

Phó Giáo sư Jo Kirman tại Đại học Otago đã tham gia nghiên cứu về virus gây bệnh đường hô hấp, trong đó có virus RSV, ở trẻ sơ sinh và trẻ em tại New Zealand. Trong một nghiên cứu từ cách đây vài năm, bà cho biết có một số lượng lớn trẻ bị nhiễm đồng thời 2 hoặc 3 loại virus đường hô hấp.

Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi “Deltacron” đã được phát hiện ở Châu Âu và Mỹ trong thời gian gần đây. Deltacron là biến thể lai giữa Delta và Omicron, được giới khoa học gọi là virus tái tổ hợp AY.4/BA.1.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Deltacron được phát hiện với số lượng nhỏ tại các nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Đức và Hà Lan. Tờ The New York Times đưa tin Mỹ mới đây cũng đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm Deltacron.

Các nhà khoa học cho biết biến thể này “cực kỳ hiếm” và không phải là “biến thể đáng quan ngại” (VOC) theo phân loại của WHO.

Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, nhấn mạnh: “Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong dịch tễ học của virus tái tổ hợp này cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng (của virus). Tuy nhiên, giới khoa học đang thực hiện rất nhiều nghiên cứu.

Protein gai là yếu tố quan trọng quyết định khả năng xâm nhập tế bào của virus và cũng là mục tiêu chính của các kháng thể sinh ra sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như sau khi tiêm vắc xin.

Do đó, các nhà khoa học cho biết các loại vắc xin hiện nay vẫn sẽ đạt hiệu quả phòng ngừa biến thể Deltacron tương tự như hiệu quả đạt được với các biến thể khác đang phổ biến hiện nay.

 Tuệ Uyên- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Đánh thức'' kinh tế dịch vụ ven sông

Dù tài nguyên sông nước dồi dào, song thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế để khai thác tiềm năng kinh tế dịch vụ ven sông. Trước thực tế này, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, đặt yếu tố sông nước đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi đô thị...

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tai-sao-co-nguoi-nhiem-cung-luc-2-bien-the-cua-virus-sars-cov-2-191959.html