Tại đây, trên 400 sản phẩm được trưng bày là các sản phẩm thiết yếu, có nhu cầu cao, được người dân tiêu thụ hằng ngày.
Điểm nhấn của phòng trưng bày là các loại lương thực, thực phẩm như gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, sữa bột Pediasure, sữa bột Glucerna, sữa bột Abbott Grow, sữa bột Ensure Gold, kẹo Hubba Bubba, bánh cốm Nguyên Ninh, mật ong, cùng nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, thực phẩm chức năng.
Ngoài ra, phòng trưng bày dành một khoảng không gian nổi bật để trưng bày các sản phẩm vàng trang sức vi phạm bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, trưng bày các sản phẩm do Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa phát hiện, thu giữ số lượng lớn như lô bút giả mạo nhãn hiệu Thiên Long, các loại dầu gội đầu, nước xả vải nhãn hiệu Comfort, Romano, Sunsilk, OMO… để người dân biết và nhận diện hàng thật - giả.
Người tiêu dùng tìm hiểu hàng thật-giả được lực lượng quản lý thị trường trưng bầy, Ảnh: Hoài Nam
Các chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường trực tiếp hướng dẫn cách nhận diện các dấu hiệu cơ bản của hàng thật và hàng giả đối với các sản phẩm trong kỳ trưng bày. Tính đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức trưng bày sản phẩm hàng thật - hàng giả 12 lần, nhằm giúp khách tham quan trang bị kiến thức phân biệt hàng hóa thật - giả trên thị trường cũng như kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa và các địa chỉ tin cậy để mua sắm an toàn.
Phó Chánh Văn phòng, Tổng cục Quản lý thị trường Phạm Khắc Huy thông tin, thực phẩm trên thị trường có các hình thức vi phạm khác nhau như giả mạo nhãn hiệu, chất lượng. Người tiêu dùng khó nhận biết được hàng giả bằng mắt thường mà phải thông qua app, công cụ.
Quản lý thị trường giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật - giả . Ảnh: Hoài Nam
"Thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp để lực lượng chức năng có công cụ xác định hàng thật - hàng giả và người tiêu dùng có thêm thông tin, cách thức nhận biết" - ông Huy nói.
Theo Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi, đối tượng vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường rất mong muốn tạo ra một địa chỉ tin cậy, giúp khách tham quan có cơ hội trực tiếp tìm hiểu thông tin về các sản phẩm mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, từ đó nâng cao nhận thức, cũng như kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa và các địa chỉ tin cậy để mua sắm an toàn.
Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu thông tin miễn phí từ nay đến hết ngày 7/7/2024.
kinhtedothi.vn