Tập đoàn Bảo Việt: Đầu tư, liên kết ngoài ngành chồng chất khó khăn?

30/09/2019 09:56

Kinhte&Xahoi Thoát khỏi cái “bóng” trong lĩnh vực bảo hiểm truyền thống, có thể thấy việc quản trị các hoạt động đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Bảo Việt đang không mấy mấy khả quan.

Ngày 24/9, Band Finance - Nhà tư vấn định giá thương hiệu và chiến lược kinh doanh độc lập hàng đầu thế giới đã tổ chức “Lễ công bố bảng xếp hạng Thương hiệu Việt Nam 2019”. Bảo Việt là thương hiệu đứng đầu trong ngành tài chính - bảo hiểm và lọt trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Giá trị thương hiệu của Bảo Việt đạt 267 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2018.

Nhiều hoạt động đầu tư, liên kết ngoài của Tập đoàn Bảo Việt không mấy khả quan. (Ảnh minh họa)

Kết quả nêu trên cho thấy, Bảo Việt đang đạt được những bước tăng trưởng rất mạnh khẳng định giá trị. Tuy nhiên, thành công đó là nhờ “cái bóng” của hoạt động kinh doanh bảo hiểm truyền thống, còn mặt trái trong các hoạt động đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là với các công ty liên danh liên kết với số vốn hơn 2.100 tỷ đồng của Bảo Việt thì lại không hề có tín hiệu khả quan.

BaovietBank lợi nhuận suy giảm

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - BaovietBank cho thấy hoạt động kém hiệu quả, suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo tài chính của BaovietBank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 53% và lãi sau thuế đạt 10,5 tỷ đồng, giảm 42%.

Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của ngân hàng này cũng giảm hơn 3.700 tỷ đồng, còn 52.159 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,02% đạt 24.980 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5% lên 28.554 tỷ đồng và nợ xấu giảm xuống chỉ còn 992,9 tỷ đồng.

Ngày 19/9 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC đã thông qua Nghị quyết về việc hoàn tất việc thoái vốn tại BaoVietBank. Được biết, CMC là một trong các cổ đông sáng lập ngân hàng này vào năm 2009 với sở hữu cổ phần 9,9% vốn điều lệ, còn Bảo Việt nắm 52%.

Theo kế hoạch, Tập đoàn Bảo Việt sẽ tiến hành lộ trình giảm vốn tại Ngân hàng Bảo Việt từ hơn 49% xuống còn 15% để đảm bảo đúng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cho đến giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Bảo Việt vẫn sở hữu 49,52% cổ phần của Ngân hàng Bảo Việt.

Với lợi nhuận suy giảm như trên, nếu Bảo Việt giảm vốn theo đúng lộ trình thì hoạt động kinh doanh của BaovietBank thì liệu có khả quan hơn?

Một loạt dự án bất động sản “đắp chiếu”

Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC - Bảo Việt, trong đó Bảo Việt nắm giữ 50% cổ phần với giá trị khoảng 70 tỷ đồng cũng đang quản lý, đầu tư dự án Tháp tài chính quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 (số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng không hiệu quả.

Theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng nhưng dự án vẫn chưa được triển khai.

Còn tại Dự án Xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star, tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy) tổng mức đầu tư hơn 4.436 tỷ đồng, chỉ định liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Dù đã hơn 7 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa có dấu hiệu liên danh chủ đầu tư triển khai dự án.

Cùng với đó, việc đầu tư với các công ty liên doanh, liên kết trong lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Bảo Việt cũng không mấy sáng sủa. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Việt liên kết với Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn là hơn 65 tỷ đồng. Long Việt là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), dự án này được phê duyệt gần 20 năm nhưng đến nay vẫn chỉ là vùng đất bỏ hoang, um tùm cỏ dại.

Đặc biệt, đáng lưu ý là khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng của Bảo Việt tại Công ty ALC II (đã tuyên bố phá sản) đến nay cho đến nay vẫn chưa có thông báo cụ thể về kết quả thu hồi.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không dám tưởng tượng khi cả chục hãng hàng không cùng cất cánh

"Ban đầu nghe tin có hãng hàng không mới ra đời, tôi mừng vì có thêm sư lựa chọn. Nhưng càng gần đây đi máy bay, tôi càng lo. Máy bay, hãng bay nhiều chỉ làm chúng tôi khổ hơn, vì nhà ga, sân bay không mở rộng, vẫn chật như hũ nút. Nghe nói sắp tới sẽ có tổng cộng 10 hãng bay, tôi choáng váng", anh Duy Truyền, một luật sư thường xuyên bay bực dọc nói.

Nguồn: GĐ&PL