Tập đoàn FLC có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị sau Đại hội đồng cổ đông bất thường

02/07/2022 14:51

Kinhte&Xahoi Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC vừa thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kiện toàn nhân sự cấp cao

 Sáng 2/7, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) đã diễn ra thành công với việc bầu bổ sung ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm là thành viên Hội đồng quản trị.

Đại hội đồng cổ đông bất thường cũng đã bầu bổ sung ba thành viên Ban kiểm soát mới là ông Nguyễn Xuân Hoà, ông Nguyễn Quang Thái, ông Nguyễn Tri Thống thay cho các thành viên cũ đã miễn nhiệm.

Các thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của Tập đoàn FLC

Đồng thời, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC cũng đã họp và thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, bà Bùi Hải Huyền giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Như vậy, ông Đặng Tất Thắng sẽ nhường lại vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC cho ông Lê Bá Nguyên. Được biết, ông Nguyên có hơn 17 năm kinh nghiệm quản trị kinh doanh với các chức vụ quản lý, lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyên từng là thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC từ 2013 đến 10/2017 và từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2020, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm ATS…

Như vậy, Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC sẽ có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Bùi Hải Huyền, ông Đặng Tất Thắng, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm.

Tái cấu trúc toàn diện

 Với việc kiện toàn bộ máy, củng cố đội ngũ nhân sự cấp cao dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị, điều hành, Tập đoàn FLC cũng đang hướng tới quá trình sắp xếp, cải tổ toàn diện và mạnh mẽ; qua đó thúc đẩy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái theo đúng các mục tiêu, chiến lược đã đặt ra.

Đại hội đồng cổ đông bất thường Tập đoàn FLC, diễn ra sáng 2/7

Theo đó, quá trình tái cấu trúc sẽ được đẩy mạnh trong năm 2022, thông qua nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tái cấu trúc về mặt mô hình quản lý để đảm bảo tinh gọn, tối ưu hoá nguồn nhân lực cũng như bộ máy vận hành; Tái cấu trúc về phương án kinh doanh trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt sẽ rà soát, đánh giá lại hiệu quả các ngành nghề kinh doanh cốt lõi cũng như các dự án, lĩnh vực kinh doanh tại các công ty thành viên và công ty liên kết trên nguyên tắc tập trung ưu tiên các lĩnh vực/dự án khả thi, có hiệu suất kinh doanh tốt hoặc tiềm năng phát triển tích cực trong dài hạn.

Và cuối cùng là tái cấu trúc về mặt tài chính cũng như tài sản, nguồn vốn để đảm bảo khả năng vận hành xuyên suốt và ổn định cho các dự án chiến lược, đồng thời cơ cấu về nợ vay để đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả giữa Tập đoàn FLC và các đối tác trong lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng…

Theo nhận định của lãnh đạo Tập đoàn FLC, quá trình tái cơ cấu một mặt giúp hình thành bộ máy mới năng động, tinh gọn, tối ưu chi phí, một mặt gia tăng khả năng cạnh tranh của tập đoàn trong bối cảnh mới.

Đối với định hướng hoạt động cụ thể, Tập đoàn FLC cho biết trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện về pháp lý và xây dựng với các dự án đang triển khai, đảm bảo thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư và địa phương, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Quảng Bình, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh…

Quá trình này cũng được tiến hành song song với việc xúc tiến đầu tư dự án mới tại những thị trường mới, Tập đoàn FLC xác định sẽ ưu tiên nguồn lực để phát triển các dự án đáp ứng được đầy đủ điều kiện về đầu tư, xây dựng cũng như kinh doanh, phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới.

Với lĩnh vực hàng không, theo lãnh đạo Tập đoàn FLC, giá nhiên liệu tăng cao đang tạo sức ép rất lớn lên chi phí hoạt động cũng như lợi nhuận của Bamboo Airways. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực đến từ suy thoái, lạm phát cũng như chính sách chậm mở cửa tại một số thị trường quốc tế…cũng tiếp tục đặt ngành hàng không trước nhiều thách thức.

Dù vậy, Bamboo Airways vẫn kiên trì chiến lược mở rộng quy mô hoạt động, tiến tới phủ sóng thương hiệu cả trong và ngoài nước, cùng lúc nâng tầm chất lượng dịch vụ theo định hướng 5 sao quốc tế, số hóa toàn diện hãng hàng không. Với định hướng này, Tập đoàn FLC đang tích cực tìm kiếm thêm những nhà đầu tư, những đối tác chiến lược mới để cùng phát triển hơn nữa Bamboo Airways theo đúng các mục tiêu đã đề ra.

Đối với mảng du lịch, Tập đoàn FLC cho biết sẽ chú trọng công tác bảo trì định kỳ và nâng cấp cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng tiện ích hiện có, song song với việc phát triển các quần thể du lịch mới để hoàn thiện hệ thống quần thể nghỉ dưỡng liên kết trên khắp Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh những sản phẩm, dịch vụ có chi phí linh hoạt và tiện ích vượt trội, để đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch hậu đại dịch.

Trên cơ sở cải tổ và tái cấu trúc toàn diện, toàn hệ thống Tập đoàn FLC đã và đang nỗ lực hết sức mình với mục tiêu hàng đầu là giữ vững chất lượng các sản phẩm dịch vụ đang được đón nhận tích cực trên thị trường; qua đó đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, đối tác; cũng như “cán đích” các mục tiêu về kinh doanh được Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo xác lập cho năm 2022, một năm đầy thách thức cũng như cơ hội khi kinh tế Việt Nam tiếp tục trở thành điểm sáng sau đại dịch.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tap-doan-flc-co-tan-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-sau-dai-hoi-dong-co-dong-bat-thuong-200105.html