Thái Nguyên: Dự án Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng đang "chồng lấn" lên mỏ quặng sắt 278 nghìn tấn

13/01/2025 19:38

Kinhte&Xahoi Theo các văn bản thì thời điểm lập quy hoạch, dự án Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng không chồng lấn với tọa độ, vị trí điểm mỏ khoáng sản nào, nhưng quá trình triển khai thì phát hiện có quặng sắt. Tuy nhiên, có một mỏ quặng sắt cùng tên Cổ Ngựa đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2014.

Khu vực dự án Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng, nơi phát hiện có quặng sắt.

Thời điểm lập dự án không chồng lấn với mỏ khoáng sản

Khu vực xung quanh hồ Thổ Hồng hiện đang quy hoạch và triển khai một loạt các dự án lớn, trong đó có thể kể đến dự án Sân golf Tân Thái và Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng. Cả hai dự án này hiện đang được gấp rút triển khai với hàng loạt máy móc, phương tiện xuất hiện ngày đêm trên công trường.

Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 27/1/2022. Đến ngày 22/5/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1096/QĐ-UBND về việc chấp thuận Công ty TNHH TCM An Phát là nhà đầu tư.

Dự án có diện tích 19,33 ha với tổng vốn đầu tư là 259.119.000.000 đồng. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động, hoặc khai thác vận hành từ quý II/2023 - Quý IV/2025.

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Về sử dụng đất, dự án có 7,49 ha đất rừng trồng sản xuất nhưng đã được HĐND tỉnh Thái Nguyên quyết định chủ trương đầu tư chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 142/NQ-HĐND ngày 12/8/2021.

Theo nội dung văn bản của UBND tỉnh Thái Nguyên gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại thời điểm lập quy hoạch, dự án không chồng lấn với tọa độ, vị trí điểm mỏ khoáng sản nào trong tài liệu tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên được Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây) công bố năm 2005 (văn bản số 893/BTNMT-KSVN của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết).

Luật Khoáng sản 2010 có quy định trường hợp “vô tình” phát hiện quặng trong dự án: “Đối với khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư (điểm a khoản 1 Điều 65).”

Khu vực tập kết quặng sắt.

Và tại dự án Khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng, “quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư có phát hiện quặng sắt dạng tàng lăn và đã báo cáo cơ quan quản lí nhà nước để được hướng dẫn việc quản lý, sử dụng quặng sắt được phát hiện trong diện tích dự án”, văn bản số 893/BTNMT-KSVN cho biết.

Hiện dự án này đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép môi trường số 1899/GPMT-UBND ngày 9/8/2024. Trong đó, cấp phép cho Công ty TNHH TCM An Phát thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường của dự án Khu dân cư mới hồ Thổ hồng. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 19,33ha.

Mỏ quặng được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ 2014?

Sau khi phát hiện có quặng sắt nằm trong phạm vi dự án, ngày 18/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì họp với một số ban ngành liên quan đến vấn đề này, biên bản cuộc họp thể hiện, điểm quặng sắt Cổ Ngọa (Cổ Ngựa) xã Tân Thái, huyện Đại Từ có 6 thân quặng... Phạm vi dự án có điểm khoáng sản sắt Cổ Ngọa được tìm kiếm, phát hiện và khảo sát trong đo vẽ địa chất, tỷ lệ 1:50.000 có tài nguyên dự báo 0,278 triệu tấn (Đoàn địa chất 102 tìm kiếm đánh giá). Quặng phân bố trong đá cát kết, đá phiến hệ tầng Vân Lãng có 2 thân quặng: Thân 1 dài 300m, dày 0,3-1m; thân 2 dài 220m, dày 0,8-1,8m, quặng deluvi, hàm lượng Fe=41,7-51,84%.

"Qua đối chiếu bản đồ khu vực thực hiện dự án khu dân cư mới Hồ Thổ Hồng và bản vẽ bình đồ phân khối tính tài nguyên quặng sắt eluvi - deluvi điểm quặng sắt Cổ Ngọa thì có thân quặng TQ.1 và TQ.2 nằm trong diện tích thực hiện dự án với tổng tài nguyên dự báo cấp 333 là 4.088 tấn. Các thân quặng TQ.3, TQ.5. TQ.5, TQ.6 nằm ngoài khu vực dự án với tổng tài nguyên dự báo cấp 333 là 9.238 tấn, nhưng đã được quy hoạch là khu dân cư."

Dự án đang "chồng lấn" lên mỏ quặng sắt Cổ Ngựa, thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Ngày 25/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc đề nghị báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp phép khai thác điểm quặng sắt Cổ Ngọa (Cổ Ngựa), xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Sau đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có văn bản số 6444/UBND-CNNXD ngày 15/12/2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn khai thác quặng sắt trong dự án Khu dân cư nông thôn tại xã Tân Thái.

Trước đề nghị của tỉnh Thái Nguyên, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã kết luận trong văn bản số 893/BTNMT-KSVN nêu rõ: "Kết quả kiểm tra thực tế, khu vực thực hiện dự án có một phần diện tích (khoảng 8.000m2) chồng lấn với diện tích phân bố quặng sắt dạng tàng lăn của điểm quặng Cổ Ngọa đã được ghi nhận trong báo cáo Bđ.160 nêu trên... Trên cơ sở xem xét các tài liệu cho thấy, việc khai thác toàn bộ điểm quặng sắt Cổ Ngọa là không có cơ sở (do điểm quặng chưa được quy hoạch)."

Do đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị tập kết toàn bộ số quặng sắt thu hồi được trong diện tích dự án vào một vị trí để quản lý, bảo vệ. Sau khi hoàn thành xây dựng mặt bằng (đến cốt cao thiết kế), báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan của tỉnh tổ chức đấu giá tài sản (quặng sắt) thu ngân sách về cho Nhà nước, tránh lãnh phí tài nguyên khoáng sản. Nghiêm cấm lợi dụng việc xây dựng dự án để khai thác khoáng sản.

ừ năm 2014, mỏ quặng sắt Cổ ngựa đã được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Nhưng cần lưu ý rằng, từ năm 2014, mỏ quặng sắt Cổ Ngựa đã có tên trong Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Theo quyết định ngày 5/12/2014 của Thủ tướng thì mỏ quặng sắt Cổ Ngựa có mức độ nghiên cứu địa chất tìm kiếm với tài nguyên dự báo là 278 nghìn tấn, loại quặng Limonit với hàm lượng TB 46%.

Vậy, cái tên Cổ Ngựa theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tên “Cổ Ngọa” hoặc “Cổ Ngọa (Cổ Ngựa)” trong các văn bản của tỉnh Thái Nguyên sử dụng có phải là một mỏ quặng sắt hay không? Khi lập quy hoạch dự án, liệu các cơ quan chuyên môn tham mưu, góp ý về dự án lại không biết sự tồn tại của đến Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Việc giám sát, quản lý quá trình san gạt, tập kết khoáng sản được thực hiện như thế nào sẽ được chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Chiều 29/5, HĐXX TAND tỉnh Lào Cai đã tuyên án đối với dàn cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng các bị cáo trong vụ khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit, gây thiệt hại hơn 312 tỷ đồng.

HĐXX nhận định, các bị cáo Nguyễn Văn Vịnh, Doãn Văn Hưởng cùng nhóm bị cáo cựu lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường biết rõ diện tích 37.700m2, trong đó có hơn 22.600 m2 nằm chồng lấn vào diện tích Khai trường 18, đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng Apatit và thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhưng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình làm trái công vụ, soạn thảo, ký các văn bản trái quy định của pháp luật để cấp 37.700m2 cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Công ty Lilama) thực hiện dự án khách sạn nhà hàng.

Tạo điều kiện cho nhóm bị cáo thuộc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và Công ty Công ty Lilama lợi dụng việc cải tạo mặt bằng, khai thác trái phép và tiêu thụ hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit trên diện tích hơn 40.200m2. Hành vi trái pháp luật của các bị cáo đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 312 tỉ đồng.

phapluatplus.baophapluat.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://phapluatplus.baophapluat.vn/thai-nguyen-du-an-khu-dan-cu-moi-ho-tho-hong-dang-chong-lan-len-mo-quang-sat-278-nghin-tan-207832.html