Thấy gì từ việc người trẻ làm giàu bằng homestay giá rẻ?

15/07/2019 15:48

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, không ít người trẻ bỏ những nghề nghiệp văn phòng để bước chân vào mô hình kinh doanh homestay (du lịch lưu trú tại nhà dân bản địa) giá rẻ vì cho rằng mức đầu tư thấp và tiềm năng lợi nhuận cao. Liệu homestay có phải một hướng khởi nghiệp dễ dàng cho họ?

Homestay container hiện đang trong giai đoạn bão hòa. Ảnh minh họa

Sự thoái trào của các mô hình tạm bợ

Cách đây vài năm, khi mô hình homestay lên cao trào, người trẻ ồ ạt rủ nhau làm homesay. Tuy nhiên, với kinh phí thấp, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn những mô hình homestay "sáng tạo", chủ yếu trông lạ mắt thu hút khách, làm từ vật liệu giá rẻ, tiền chế.

Từ đó, mô hình homestay cotainer, nhà ống, con nhộng hay mái lá ra đời. Có một thời điểm, đi đâu cũng thấy nhà container mọc lên ồ ạt, với đủ màu sơn xanh đỏ. Tiếp đến, mô hình nhà ống đầu tiên xuất hiện tại Đà Lạt, sau đó được sao chép, phát triển ở nhiều địa phương du lịch khác như Vũng Tàu, Phan Thiết... Nhà mái lá xuất hiện cũng không ít, từ Đà Lạt đến miền Tây, miền biển.

Với homestay dạng container, giá thành cho mỗi một "con" khoảng 40-50 triệu đồng, cộng với chi phí trang trí, cảnh quan. Trung bình thời điểm đó các chủ nhân trẻ của loại hình homestay này đầu tư khoảng vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng cho một dãy khoảng 10 phòng (mỗi phòng sức chứa từ 2-4 khách).

Nhà “ống cống” thì có kinh phí cho việc đúc mỗi ống cống khoảng 20 triệu đồng. Các chi phí sơn màu, mua sắm nội thất, cảnh quan, tổng thể không quá 500 triệu/dãy 10 phòng, với sức chứa 2 người/phòng. Nhà mái lá lại thì có chi phí đầu tư thấp hơn.

Không chỉ làm nhà mái lá, tại Đà Lạt, do khu du lịch này có khí hậu mát mẻ quanh năm nhiều bạn trẻ còn đầu tư thô sơ hơn với dạng homestay mái tôn, nhà gỗ... Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều mô hình trong số này cũng đã bắt đầu thoái trào, gây nhàm chán cho du khách. Mô hình container hiện được dẹp bỏ khá nhiều, đặc biệt là ở những khu du lịch biển, bởi đặc trưng dạng nhà này khá bít bùng, luôn phải sử dụng máy lạnh công suất lớn quanh năm, đồng thời cũng không có nhiều kiểu dáng để decor.

Thực tế, các loại hình homestay tiền chế này phải tạo ra "chất" thật sự từ bên trong, có điểm nhấn để thu hút khách hàng thì mới mong trụ được lâu dài. Còn nếu chỉ tạo ra hoặc chạy theo trào lưu, thu hút khách hàng bằng vài tấm hình sống ảo lung linh, thì sau khi đã thỏa mãn trí tò mò của du khách, homestay sẽ không còn gì để giữ chân du khách, trong khi cơ sở vật chất hết sức sơ sài. "Cái chết" của nhiều homestay tiền chế cũng từ đây mà ra.

Bên cạnh sự nhàm chán, thiếu tiện nghi, một lý do khác khiến mô hình hình homestay tiền chế, sơ sài bắt đầu đi vào ngõ cụt là chính sách của nhiều địa phương du lịch bắt đầu siết chặt với các loại hình nhà tiền chế, tạm bợ như trên. Nhiều địa phương như Đà Lạt, Đà Nẵng còn có văn bản không cho phép mở mới homestay thô sơ, tạm bợ.

Nguyễn Lưu Thanh, nhân viên một ngân hàng tại TP.HCM cho biết, năm 2017, sau khi đi Đà Lạt vào mùa cao điểm, nhận thấy các homestay mở ra ồ ạt và luôn đông đúc, anh liền rủ bạn bè cùng góp tiền mở homestay giá rẻ tại đây.

Với kinh phí 700 triệu do 3 người hùn lại, Thanh và các bạn thuê mảnh đất khá xa trung tâm với giá 10 triệu/ tháng mở 1 homestay làm từ gạch thô không tô kết hợp gỗ thông, mái bằng tôn sơn phết màu sắc rực rỡ.

Tuy nhiên, sau một thời gian đổ tiền vào quảng bá cho homestay, Thanh và các bạn nhận được review không tốt từ khách hàng vì nhà khá lạnh, tiện nghi không đầy đủ, lại xa trung tâm. 1 năm sau khi đổ vào số vốn gần 1 tỉ, cả ba đành chấp nhận sang lại với giá rất thấp.

Thuê nhà cũ làm homestay: Giải pháp an toàn?

Hơn 1 năm trở lại đây, cùng với sự thoái trào của các homestay tiền chế, thị trường dịch vụ lưu trú đang dịch chuyển sang một mô hình mới: sửa nhà cũ làm homestay. Đây là giải pháp có mức đầu tư không cao, lại an toàn. Hiện, mô hình này đang được áp dụng phổ biến tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...

Cách thức khai thác là thuê một căn nhà, căn hộ cũ về, trang trí lại theo phong cách yêu thích, cung cấp thêm các dịch vụ phụ trợ và đăng tin tin cho thuê trên Facebook hoặc các trang bán phòng trung gian như Airbnb, Agoda, Booking...

Một căn phòng homestay dạng này tuy không sang trọng, không thường nằm ở các mặt tiền đường, lượng nhân viên hùng hậu như khách sạn, nhưng vẫn đảm bảo được các tiện nghi cơ bản trong phòng, đồng thời ưu điển của loại phòng này là thường có khu vực chung để giao lưu, có bếp ăn, máy giặt cho khách tự túc.

Đào Thiên Ân, trước kia là nhân viên đồ họa tại một công ty quảng cáo, sau đó, chớp thời cơ loại hình này mới bắt đầu chớm tại Việt Nam đã nghỉ làm, thuê một căn nhà 4 tầng có 7 phòng với giá 25 triệu/ tháng, trong hẻm ở quận Bình Thạnh.

Chi phí đặt cọc, trang trí và mua sắm hết hơn 500 triệu, nhưng với mức giá 450 ngàn/ phòng, khai thác công suất 70%, mỗi tháng Ân thu lợi nhuận tầm 35 triệu đồng. Trong vòng 1,5 năm, Ân thu hồi vốn, sau đó thong thả khai thác.

Khá nhiều bạn trẻ hiện tham gia mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú tiện lợi như thế. Không ít trong số đó là dân ngoại tỉnh, thuê nhà ở và sẵn tiện khai thác cho thuê, vừa ở miễn phí vừa sinh lời. Thậm chí có bạn còn “thừa thắng xông lên” mở chuỗi với 3, 4 căn nhà thuê, thu nhập hàng trăm triệu/ tháng.

Tuy nhiên, trong bất cứ lĩnh vực nào, khởi nghiệp cũng cần có sự tìm hiểu kĩ thị trường, tạo ra sản phẩm có giá trị mới mẻ cho người tiêu dùng, chứ không chỉ “theo trào lưu”, bắt chước lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh, để rồi “vỡ trận”.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đặt tên cho “đứa con tinh thần”- dễ mà không dễ

Với người kinh doanh thì sản phẩm và công ty kinh doanh thực sự là đứa con tinh thần của họ. Mà đã là “con” thì cũng cần phải nghĩ ra cái tên không chỉ thật đúng, đủ mà còn phải đẹp, phải kêu, để khai sinh, để tồn tại với đời và làm rạng mặt “cha mẹ”. Và từ đó là những chuyện bi hài xảy ra…

Nguồn: Pháp luật Plus