Thị trường khẩu trang thực sự “hạ nhiệt”?

04/02/2020 10:59

Kinhte&Xahoi Cuối tuần trước, ngay trong đợt ra quân đầu tiên của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ở khu chợ thuốc Hapulico (Hà Nội), người dân đã được mua với giá bình thường. Nhưng ngay sau khi lực lượng này rời đi, mọi chuyện lại quay về như cũ.

Theo phản ảnh qua đường dây nóng QLTT, có nơi “hét” giá hơn 1 triệu đồng/hộp khẩu trang y tế

Kiểm tra, xử lý hàng ngàn vụ “thổi giá”

Hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm và thu gom, tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế… phục vụ phòng, chống dịch nCoV đã xảy ra trên toàn quốc. 

Trong 2 ngày cuối tuần, lực lượng QLTT các địa phương đã tăng cường triệt để kiểm tra, kiểm soát thị trường các mặt hàng này. Đáng chú ý, địa bàn một số huyện vùng cao như huyện Mường Khương, Si Ma Cai (Lào Cai) chưa có hiện tượng tăng giá nhưng mặt hàng khẩu trang y tế đã khan hiếm; các cơ sở kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế không còn hàng để cung cấp ra thị trường.

Tại TP HCM, các Đội QLTT ghi nhận sức mua mặt hàng khẩu trang y tế trong 2 ngày cuối tuần đã giảm so với các ngày trước đó. Tuy nhiên, do tình hình sau Tết Nguyên đán lượng hàng bán ra chủ yếu hàng tồn kho trước Tết nên một số nhà thuốc, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế có kinh doanh khẩu trang y tế đã hết hàng hoặc chỉ còn số lượng ít. Nhưng ở khu vực chợ sỉ thuốc Tây tại quận 10 TP HCM tình trạng buôn bán khẩu trang vẫn diễn ra bình thường, chưa phát hiện tình trạng khan hiếm. 

Được biết, trong dịp cao điểm xử lý tình trạng bán khẩu trang tăng giá  từ ngày 31/1 đến ngày 3/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 1.837 vụ, tạm giữ 328.550 chiếc khẩu trang. Đại diện QLTT TP HCM cho biết, sau khi làm rõ hành vi để xử lý đối với số hàng 94.000 khẩu trang do Cục QLTT TP HCM tạm giữ, Công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình đã cam kết không vi phạm, khắc phục vi phạm nhãn và đã chuyển 94.000 khẩu trang hiệu Medical về chi nhánh để bán ra phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại Hà Nội, nhiều nhà thuốc đã bị phạt vi phạm hành chính ở mức 20-30 triệu đồng/cơ sở, nhiều nhà thuốc khác đã bị niêm phong do tăng giá bán. Ở khu chợ thuốc Hapulico (quận Thanh Xuân), lực lượng QLTT còn kiêm luôn bán hàng để giúp người dân mua được khẩu trang với giá ổn định nhất (50.000 đồng/hộp).

Tuy nhiên, ngay khi lực lượng này rời đi, các nhà thuốc đã ngay lập tức tăng lại giá bán với mức từ 150.000 đồng/hộp. Thậm chí, nhiều nhà thuốc còn đối phó bằng hình thức treo biển “hết hàng” nhưng xung quanh đó xuất hiện nhiều người bán khẩu trang… rong. 
 
Đường dây nóng “cháy máy”

Rất nhiều biện pháp mạnh đã được Chính phủ đưa ra như rút giấy phép nhà thuốc bán khẩu trang với giá cao, nhưng giá bán khẩu trang vẫn chưa thực sự “hạ nhiệt”. Đường dây nóng (số điện thoại 1900.888.655) của Tổng cục QLTT cũng đã “cháy máy” với trên 300 cuộc gọi mỗi ngày, đặc biệt nhiều trong 2 ngày cuối tuần. Thậm chí 2-3h sáng vẫn có các cuộc điện thoại gọi đến với lời giải thích ban ngày gọi liên tục báo bận nên họ phải canh ban đêm gọi mới hy vọng thông tin phản ánh được đến các cơ quan chức năng. 

Nguyễn Thị Diễm My - chuyên viên trực đường dây nóng của Tổng cục QLTT cho biết, các cuộc gọi đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, phản ánh khẩu trang được bán với giá rất cao, trung bình 200.000-300.000/hộp. Cá biệt có nơi bán với giá 1.150.000 đồng/hộp. Tất cả các thông tin này đều được ghi lại cẩn thận để lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo các đơn vị kiểm tra xử lý. 

Ông Trần Hữu Linh -  Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, ngay khi nhận thấy thị trường khẩu trang đang bị đẩy giá lên quá cao, Tổng cục đã có công văn hỏa tốc gửi các địa phương, khẩn trương tham gia kiểm tra, giám sát thị trường. Nhưng thực tế, lực lượng QLTT quá mỏng so với số lượng nhà thuốc trên toàn quốc nên cũng không thể kiểm tra từng nhà thuốc một. Hiện tượng tăng giá bán cũng không thể xử lý triệt để khi các nhà thuốc có nhiều biện pháp đối phó. 

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ giám sát thị trường của nhân dân trong những ngày qua, việc kiểm soát thị trường cũng đã có những chuyển biến nhất định. Đôi khi không cần sự xuất hiện của các cơ quan chức năng nhưng với sự đồng giám sát của người dân ở nhiều địa phương, các nhà thuốc nói chung cũng không dám “chặt chém”.

Đặc biệt mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu rút giấy phép kinh doanh bất kỳ nhà thuốc nào bán tăng giá khẩu trang nên sự vào cuộc và nguồn tin báo của người dân tới đường dây nóng là vô cùng cần thiết, giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn hoạt động của mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thi-truong-khau-trang-thuc-su-ha-nhiet-d116506.html