Thời cơ hàn của những người nổi tiếng

14/10/2019 11:04

Kinhte&Xahoi Không có gì là bỗng nhiên dễ dàng, không có thành công nào là từ trên trời rớt xuống. Có một sự thật mà từ trước đến nay không ai có thể phủ nhận, đó là thành công nào cũng phải trả giá để có được. Ai cũng phải đánh đổi, phải vật lộn, phải chiến đấu trong một thời gian dài trước khi có một sự nghiệp đồ sộ…

Cuộc đời của những người nổi tiếng có lẽ là những minh chứng rõ rệt nhất cho điều đó.

Có thể chúng ta chỉ nhìn thấy những ánh hào quang rực rỡ của họ mà không hề biết được những tháng ngày lam lũ, cơ cực, những khi đổ mồ hôi, sôi nước mắt, kiên trì đối chọi với hoàn cảnh ở những ngày đầu khởi nghiệp.

Chúng ta chỉ thấy những điều lấp lánh mà không biết họ cũng từng phải sống trong những ngày tăm tối, đi qua những khó khăn thì mới mong chạm được vào ánh sáng. 

Bầu Đức: Từ bộ bàn ghế học sinh

Ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học.

Công việc hàng ngày của bầu Đức sau thời gian học là chăn trâu. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, ông chỉ có tâm nguyện duy nhất là học thật giỏi, đậu đại học và có một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn.

Năm 1982, ông vào TP HCM thi đại học, nhưng cả 4 lần đi thi, bầu Đức đều không đạt kết quả như ý muốn. Không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn, bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

  Bầu Đức - người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam.

22 tuổi, không tiền, không nghề nghiệp nhưng với khát vọng làm giàu, bầu Đức đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm và tìm lối đi riêng. Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, ông mở phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà.

Ông tự tay làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác, để hình thành nên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay và những việc làm thầm lặng, to lớn ông dành cho bóng đá nước nhà.

 “Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Bẻ ngô, nuôi lợn, bỏ trường y 

Người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Khánh Hoà, trong một gia đình nông dân nghèo.

Tuổi thơ đi học của ông “vua” cà phê Việt là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch, lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km suốt 9 năm đến trường. Là một học sinh giỏi, năm 1990, ông Vũ thi đậu Đại học Y Tây Nguyên. Vừa đi học, ông vừa làm thêm kiếm sống.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, học giỏi, nhưng học y đến năm thứ 3, “vua” cà phê chợt nhận ra mình không muốn làm bác sĩ, và bỏ học tìm mọi cách đến với cà phê. 

  “Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ“

Năm 1996, cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, ông Vũ lập nên “Hãng Cà phê Trung Nguyên”, là một cơ sở vài m2, chiếc máy rang thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và giao cà phê rang xay cho các quán khác.

Năm 1998, cà phê của Trung Nguyên mở ở TP.HCM, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên. Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến…

Ca sỹ doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa: Từng bắt giun, dọn vệ sinh 

Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa trở thành cái tên nổi bật trong làng công nghệ với vai trò giám đốc chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu Việt Nam (từng là Giám đốc chiến lược FPT rồi Giám đốc chiến lược VNPT), Nguyễn Hữu Thái Hòa còn là người truyền cảm hứng cho giới trẻ với khát vọng “Quốc gia khởi nghiệp”.

Hiện anh đang là Giám đốc chiến lược VNPT, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy (CTS - Bộ Khoa học và Công nghệ), 13 năm trải qua nhiều vị trí tại tập đoàn công nghệ đa quốc gia Schneider Electric của Pháp đã giúp anh hình thành bản lĩnh của một nhà kỹ trị, với mức lương đáng mơ ước với nhiều người, nhưng anh đã trở về, tạo dựng “Giấc mơ Việt Nam”, góp phần đưa doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. 

Sinh năm 1969 tại Sài Gòn, năm 1990, Thái Hòa sang Canada theo gia đình và du học tại ĐH Bách khoa Ryerson, Toronto. Trước đó, anh đang là sinh viên Học viện Âm  nhạc TP HCM và năm thứ 4 Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Kiến trúc TP HCM.

Là con trai của kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964, người có mặt trong giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 khi tướng Dương Văn Minh đầu hàng và ca khúc “Nối vòng tay lớn” vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, PV) cùng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Ca sỹ DN Nguyễn Hữu Thái Hòa

Thế nhưng những năm đầu du học, anh từng làm hầu bàn, quét dọn nhà vệ sinh, đi hát quán bar để có tiền trang trải cho những ngày ăn học nơi xứ người.

Mãi về sau này, có hai kỷ niệm anh vẫn còn nhớ mãi! Đó là việc đi bắt giun ở Canada và đi làm lao động dọn vệ sinh cho một văn phòng nha sĩ bị khán giả của mình nhận ra “ca sĩ Thái Hòa”, lúc đó anh chỉ muốn có lỗ nẻ mà chui xuống!...

Năm 1997, có một bước ngoặt lớn, đó là cuộc gặp của anh  với vị Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp điện Schneider Electric (Pháp) với lời khẳng định mà ông Tổng Giám đốc dành cho chàng kiến trúc sư trẻ, rằng “tôi tin là tôi chọn đúng người”, đã thổi bùng lòng tự tôn dân tộc trong người trẻ đầy đam mê và đậm chất nghệ sỹ ấy!

Và thế là chàng kiến trúc sư trẻ Nguyễn Hữu Thái Hòa đối diện với cả đống thách thức bởi không biết gì về chuyên môn, cụ thể là ngành điện. Anh không có gì ngoài kiến thức về kiến trúc.

Điểm lóe lên duy nhất lúc ấy với anh là cơ hội! Schneider là 1 trong 120 thương hiệu lớn nhất thế giới. “Khi nhận đề nghị công việc trên, tôi đã khai thật là tôi không biết gì về điện. Khi người ta biết mình yếu, người ta đào tạo.

Tôi được gửi qua Tây Ban Nha 1 tháng trời chỉ để làm công nhân. Ban đầu tôi nghĩ họ đối xử với mình rất tệ. Nhưng khi không làm công nhân các bạn không thể biết công nhân vất vả thế nào”.

Và cứ  như vậy, với những nỗ lực đắm say không mệt mỏi, anh đã được chọn trở thành Tổng Giám đốc chất lượng Công nghệ ISC khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Schneider Electric.

Thế rồi, khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp của một thương hiệu quốc tế, anh trở về nước sau hơn 17 năm học tập và làm việc tại các quốc gia tiên tiến như Canada, Pháp. 

Trả lời về sự trở về và những thay đổi không mệt mỏi trong công việc, anh chia sẻ: Lá rụng về cội nên Việt Nam chắc chắn sẽ là bến đỗ cuối đời tôi.

Cứ 3-5 năm tôi lại thay đổi công việc, đó cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng và chắc chắn là ở đâu, làm gì kể cả trong lúc thất bại và tuyệt vọng, thì tôi cũng sẽ luôn nghĩ cách đóng góp cho Việt Nam.

“Còn điều gì tuyệt vời hơn khi ta dám đi và sẽ đi “đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa…” (lời “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, Trịnh Công Sơn).

Có một cõi trú tinh thần bình an như thế, mỗi sáng mai thức giấc tôi hoàn toàn tự tin bước vào một hành trình chinh phục mới, chinh phục Giấc mơ Việt Nam của chính mình”. 

Đi nhiều nơi, nghiền ngẫm những nỗi đau, nhìn sang các quốc gia láng giềng, Thái Hòa giờ đây đang mơ về một Nobel Hòa Bình cho Việt Nam khi mang những ca khúc của Trịnh Công Sơn ra thế giới.

Anh nói: hãy nhìn sang Nhật Bản, một quốc gia đã phải gánh chịu những thảm họa chiến tranh khủng khiếp, mà đỉnh điểm phải kể đến Nagasaki và Hiroshima.

Sau chiến tranh, người Nhật Bản “gặm nhấm” nỗi đau và tự hỏi xem vì sao đất nước này phải hứng chịu những thảm họa như thế. Họ chân thành nhìn nhận về quá khứ “phát xít” của mình và dùng nỗi đau ấy để vươn lên, để tránh những “thảm họa chiến tranh” trong tương lai. Nagasaki, Hiroshima vừa là biểu tượng của chiến tranh, vừa là biểu tượng của hòa bình. 

Anh tâm sự: “Âm nhạc đã cứu rỗi tôi những lúc đau buồn nhất của cuộc sống, tôi yêu nhạc Trịnh từ cái ngờ ngợ ban đầu của bản năng đến tận cùng nỗi thấm thía về thân phận con người, thân phận mình… “như tin buồn từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người” (Trịnh Công Sơn). Những ca khúc của cố nhạc sĩ đi vào từng nẻo đường hay góc phố, “nhiễm vào máu” khi anh còn trong bụng mẹ.

Từ những năm anh 6 tuổi, anh theo bố mẹ đồng hành cùng các chương trình của Trịnh Công Sơn, cho tới sau này, anh mang nhạc Trịnh hát ở nhiều chương trình quốc tế và cả những phòng trà ở Canada để kiếm sống. Chính nhạc Trịnh Công Sơn là sợi dây níu giữ anh với những bản sắc của quê hương Việt Nam.

Trong suốt những năm tháng là sinh viên sống tại nước ngoài, những giai điệu trong những ca khúc nhạc Trịnh đã nâng đỡ tâm hồn anh. Anh luôn cảm thấy tự hào khi mình là một người Việt Nam.

Bởi theo anh, ý nghĩa lớn nhất của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn chính là giải phóng tư tưởng thấp hèn trước đã, để ngẩng cao đầu làm người Việt Nam”…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM