Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế

09/05/2020 09:55

Kinhte&Xahoi Sáng nay (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau đó, Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không “than nghèo, kể khổ”. Nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu (thể hiện qua hàng loại gói hỗ trợ được đưa ra thời gian qua).

Sau đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt nêu rõ được những hỗ trợ nào khác đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói “toàn chuyện biết rồi”. Cụ thể, Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; Văn phòng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Với số lượng đại biểu lớn, Hội nghị sẽ diễn ra với tinh thần “tranh thủ từng phút, từng giờ”. Các ý kiến trình bày tại Hội nghị được giới hạn chỉ 5 phút (trừ 2 báo cáo chính và phát biểu của Thủ tướng).

Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp được tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ với mục đích lắng nghe ý kiến của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” để tháo gỡ rào cản, mở đường cho lực lượng này tiến lên. Có thể nói, nhờ các hội nghị đối thoại, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đã tạo nền tảng và cảm hứng cho phong trào cải cách ở mọi cấp, ngành, mọi địa phương như hiện nay.

Theo VCCI, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do VCCI chuyển đến các bộ, ngành đã đạt 45%. Sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị doanh nghiệp của các bộ, ngành đã đạt khoảng 80%.

Hội nghị hôm nay, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã được đẩy lùi ở nước ta, sẽ thôi thúc một tinh thần cách mạng, yêu nước của người dân và doanh nghiệp cũng như khẳng định với thế giới thấy rằng Việt Nam quyết tâm trong môi trường, điều kiện mới để đưa đất nước tiến lên.


Tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng/năm

Theo Văn phòng Chính phủ, tính từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Về cung cấp dịch vụ công, các bộ, cơ quan và địa phương đã có nhiều tiến bộ trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 58/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận, xử lý yêu cầu cung cấp dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt 95,8%.

Đặc biệt, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến (160 dịch vụ cho công dân, 229 dịch vụ cho doanh nghiệp).

Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp chức năng thanh toán trực truyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm; trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm. 

Cung cấp 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn

Phát huy tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai nhiều chương trình cải cách mới với một loạt nhiệm vụ, giải pháp mới.

Thứ nhất, thông qua Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 nhằm cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh. Mục tiêu cơ bản là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để bảo đảm việc cắt giảm thực chất. 

Thứ hai, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Thứ ba, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với bộ, ngành xây dựng phương án kỹ thuật cung cấp 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đó là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Các dịch vụ công này sẽ hỗ trợ cho 4 triệu người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6 đến 10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạo giả mạo thương hiệu ST25 tràn lan trên thị trường: Cần chế tài xử lý mạnh mẽ!

Trong khi công tác bảo hộ, quản lý thương hiệu sản phẩm còn chưa triệt để, việc các sản phẩm kém chất lượng nhái theo thương hiệu Gạo ngon nhất thế giới ST25 đang tràn lan trên thị trường không chỉ làm ảnh hưởng đến danh tiếng mà còn làm cơ hội xuất khẩu của loại gạo này giảm đi nhiều.

Nguồn: Hoà Nhập https://hoanhap.vn/chi-tiet/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-voi-doanh-nghiep-ve-phuc-hoi-nen-kinh-te1588992816.html