Thủ tướng ra “tối hậu thư” cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

12/06/2020 16:40

Kinhte&Xahoi Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào khai thác Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong năm 2020, báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc, trình Quốc hội để có hướng xử lý.

Chốt hạn hoàn thành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2020 (ảnh: Lao động)

Đây là nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về việc triển khai báo cáo của Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương trình Chính phủ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo nhiệm vụ được giao để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nâng cấp và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông: Đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông; Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án sửa chữa đường cất hạ cánh Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Dự án nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bộ GTVT được yêu cầu phải sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.

Bộ GTVT rà soát, tổ chức lại giao thông ở các tuyến phức tạp, khắc phục tình trạng ùn tắc và xoá bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan sớm có phương án giải quyết những khó khăn của lĩnh vực đường sắt; tiếp tục hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa được thông báo, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; dự án sân bay quốc tế Long Thành; triển khai ngay các thủ tục đối với các dự án đầu tư công và các dự án theo hình thức PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương đề xuất tháo gỡ nguồn vốn đối ứng của dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ yêu cầu đảm bảo thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế; triển khai các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch; tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước; kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…

Châu Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gói 16 nghìn tỷ: Chỉ doanh nghiệp 'chết' mới có thể vay

Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuẩn bị sẵn sàng 16 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay chưa có doang nghiệp nào tiếp cận được gói vay này. Theo các doanh nghiệp, để đáp ứng đủ các tiêu chí do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, chỉ có doanh nghiệp “chết” mới vay được.

Lãi suất cho vay cần giảm sâu hơn nữa

Lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục giảm do thanh khoản dồi dào, nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là yếu tố để lãi suất cho vay giảm thêm.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-ra-toi-hau-thu-cho-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-20200612094935427.htm