Thủ tướng tham dự Khoá 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới với chủ đề “Đại dịch Covid-19”

20/05/2020 14:50

Kinhte&Xahoi Nhận lời mời của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Khoá 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới với chủ đề “Đại dịch Covid-19” được tổ chức trực tuyến trong hai ngày 18 đến 19-5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp trực tuyến Khóa 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới. (Nguồn: TTXVN)

Tham dự Khoá họp có Tổng Thư ký Liên hợp quốc, gần 150 lãnh đạo ngành y tế các quốc gia thành viên và 15 khách mời đặc biệt là Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, làm chết hàng trăm ngàn người, gây ra nhiều tác động nặng nề đối với kinh tế, xã hội của tất cả các nước, đồng thời đặt ra những thách thức to lớn đối với hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Phát biểu tại cuộc họp, các nước đều nhất trí đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có và không quốc gia nào có thể tự mình ứng phó được; kêu gọi các nước cùng đoàn kết.

Nhiều nước đề cao vai trò của WHO; tri ân tới những y bác sỹ, những người đang trên tuyến đầu chống dịch; kêu gọi đoàn kết, tăng cường hợp tác quốc tế hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh và phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị.

Về phương hướng trong thời gian tới, các nước nhấn mạnh WHO cần huy động toàn diện các thông tin và tri thức trên toàn thế giới để ứng phó với đại dịch Covid-19; hỗ trợ hệ thống y tế của các nước, tiếp tục điều phối các nỗ lực khu vực và quốc tế trong việc mua bán các trang thiết bị y tế, các mẫu và công cụ xét nghiệm.

Với những thành quả tích cực đã đạt được trong cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19 cũng như vị thế nước Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là một trong số ít Lãnh đạo được Tổng Giám đốc WHO mời phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới năm nay.

Phát biểu tại khóa họp, Thủ tướng Chính phủ đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân các nước vì những mất mát to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra; gửi lời cảm ơn và tri ân tới tất cả các y bác sỹ, những người trên tuyến đầu phòng chống dịch vì sức khỏe và sự an toàn của mọi người dân.

Thủ tướng chia sẻ Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19 từ rất sớm, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, hệ thống y tế quốc gia, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của lực lượng quân đội…, cùng kiên quyết thực hiện cách ly tập trung, kết hợp giữa kiểm soát nguồn lây, truy tìm tiếp xúc, xét nghiệm và điều trị.

Chính phủ chấp nhận “hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe sự an toàn của người dân”. Các chính sách và biện pháp chống dịch của Chính phủ được người dân tham gia ủng hộ.

Tính đến nay, Việt Nam, quốc gia gần 100 triệu dân đã hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, chỉ có hơn 320 ca lây nhiễm và chưa có ca tử vong và hôm nay là ngày thứ 33 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Cơ bản kiểm soát tốt dịch Covid-19, Việt Nam đã bước sang trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong phòng chống dịch hiệu quả.

Với tinh thần hợp tác, chia sẻ lúc khó khăn, Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã hỗ trợ thiết thực, kịp thời về khẩu trang, thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nước, nhất là những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hơn bao giờ hết, các nước cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch. Cùng với nỗ lực xử lý những hậu quả nặng nề của đại dịch, các nước cần có kế hoạch phát triển hậu Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng cho biết, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì và tham gia nhiều cuộc thảo luận, nỗ lực tìm tiếng nói chung, có những sáng kiến thúc đẩy hành động chung trong phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập LHQ và WHO, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục phát huy ý chí và sức mạnh của mỗi dân tộc, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng vượt qua, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi quốc gia và mọi người dân.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một tổ chức chuyên môn trong hệ thống Liên hợp quốc (LHQ) chịu trách nhiệm về lĩnh vực y tế toàn cầu, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế cộng đồng, tăng cường nghiên cứu y tế. Đại hội đồng WHO là cơ quan ra quyết định cao nhất của WHO, họp hàng năm tại Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5 với sự tham dự của tất cả 194 quốc gia thành viên. Do tác động của đại dịch Covid-19, Khoá 73 Đại hội đồng WHO được tổ chức trực tuyến – lần đầu tiên trong lịch sử WHO.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Doanh nghiệp tận dụng cơ hội để bứt phá

Những giải pháp hỗ trợ quyết liệt đang được Chính phủ triển khai đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) có thêm niềm tin để nỗ lực thích nghi, củng cố bộ máy và nắm bắt những cơ hội hồi phục, tăng trưởng trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/thu-tuong-tham-du-khoa-73-dai-hoi-dong-to-chuc-y-te-the-gioi-voi-chu-de-dai-dich-covid-19-193750.html