Thủ tướng: Tránh “biết rồi nói mãi” về ô nhiễm môi trường

11/06/2020 16:38

Kinhte&Xahoi Nhận thấy có rất nhiều ý kiến hay đóng góp hoàn thiện cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ tiếp thu để có chương trình hành động mạnh mẽ hơn, tránh tình trạng “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, sáng 11/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vấn đề môi trường là thách thức không chỉ ở Việt Nam mà cả toàn cầu.

Ô nhiễm môi trường đe dọa cuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước, Nhân dân, các cấp, ngành quan tâm đặt ra. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là rất cần thiết để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, cả về vật chất lẫn tinh thần, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường, nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm. 

Trong thời kỳ hội nhập, công nghệ phát triển bùng nổ hiện nay, chúng ta không thể phát triển kinh tế mà coi nhẹ vấn đề môi trường, phải nhận thức rõ điều này để có thái độ cương quyết, đồng bộ hơn. Sự cương quyết đó phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và thay đổi tư duy một cách căn bản.

“Chưa nhận thức đúng mức, chưa cương quyết nên việc này lặp đi lặp lại nhiều nơi nhức nhối. Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cầu…, nhiều dòng sông bị hủy hoại. Cương quyết rất quan trọng, nói dễ nhưng làm khó”, Thủ tướng trăn trở.

 Toàn cảnh buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Ngoài ra, cộng đồng trách nhiệm, hợp tác như thế nào rồi vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát ra sao. Thủ tướng cho rằng, nghị quyết của từng chi bộ phải quán triệt, đừng nói chuyện trên trời mà phải bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Đảng viên phải làm gương. Hay vai trò của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ ở đâu trong việc này?.Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, sự đồng bộ của chúng ta bị hạn chế rất nhiều. Ví dụ, phân loại rác thải không làm được thì khó xây dựng được nhà máy xử lý rác thải. Ở đây, sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được giáo dục. 

Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hóa các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề, nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý nước thải, rác thải, công nghệ đốt rác, công nghệ làm phân vi sinh… để bảo vệ môi trường. 

“Xử phạt nghiêm, răn đe, giáo dục, làm gương mới đồng bộ được. Như qua thực thi Nghị định 100, tai nạn giao thông do dùng rượu, bia thời gian vừa qua giảm hẳn. Ông nào phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm, xử phạt nghiêm thì nói mãi cũng nhờn” – Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh: “Môi trường là vấn đề lớn của cuộc sống, cần được thực hiện nghiêm khắc như Nghị định 100”, không thể nương tay, nhẹ tay, không đồng bộ, quy định mức phạt thấp quá.

Đồng thời, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ “dọc bờ sông, bãi biển còn bẩn lắm”, nhất là sau Covid-19 nhưng cứ nói mãi mà không ai chịu thực thi bảo vệ. Hay trong xử lý chất thải rắn, đã có nhiều mô hình nhưng nhân ra không thành công, lúng túng, không minh bạch.

Đề cập trách nhiệm của bộ máy trong quản lý môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu vấn đề môi trường xấu thì Bộ trưởng Môi trường, Giám đốc Sở Môi trường, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường sẽ bị Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân phê phán, xử lý.

“Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm nên phải sửa Luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân. Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra” – Thủ tướng khẳng định.

Qua thảo luận, Thủ tướng đánh giá có rất nhiều ý kiến hay, trong đó, trước hết tập trung giải quyết cho được những bất cập, nhìn thẳng vào những khuyết điểm để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trước Đảng, trước dân. 

Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để có chương trình hành động mạnh mẽ hơn, tránh tình trạng “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Anh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường bán lẻ sẽ khốc liệt khi thực thi EVFTA

Các doanh nghiệp phân phối nhỏ của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm bởi các tập đoàn bán lẻ lớn từ châu Âu. Cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường trong nước của Việt Nam sẽ vô cùng khốc liệt khi Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam - EU có hiệu lực.

"Vua mì" Miliket lênh đênh trên sóng thị trường

Thương hiệu mì ăn liền Colusa - Miliket với biểu tượng hai con tôm chụm đầu trên bìa giấy xi măng đã trở thành một mảnh ký ức của thế hệ những người sinh ra, trưởng thành trong giai đoạn thập niên 80 - 90 thế kỷ trước. Nhưng với sự bùng nổ của nhiều thương hiệu mới đã đẩy mì hai tôm lênh đênh trên “cơn sóng” thị trường.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-tranh-biet-roi-noi-mai-ve-o-nhiem-moi-truong-d126800.html