Thủ tướng yêu cầu xử lý nhiều vấn đề 'nóng'

03/12/2018 15:08

Kinhte&Xahoi Sáng nay (3/12), phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý một số vấn đề đang gây bức xúc xã hội.

Về nội dung phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, thường gọi là Nghị quyết 01. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức một số cuộc họp để chuẩn bị Nghị quyết này. Dự kiến, tại hội nghị Chính phủ và các địa phương vào cuối tháng 12 này, dự thảo Nghị quyết 01 sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến cũng như quán triệt tinh thần, kế hoạch hành động cho năm 2019, “làm sao tinh thần dân tộc sẽ được khơi dậy ngay từ đầu năm, để chúng ta quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, toàn dân giao phó”, Thủ tướng nói. “Đổi mới những điểm nào trong điều hành, khắc phục nhược điểm nào trong quá trình thực hiện mà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu, những vấn đề gì nhân dân đặt ra, bức xúc cần được quan tâm và những chỉ tiêu quan trọng sẽ được triển khai quyết liệt như thế nào”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Nêu rõ Nghị quyết 01 cần phải toát lên được tinh thần đổi mới lan tỏa, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến, đặc biệt là một số vấn đề quan trọng. “Tôi lấy ví dụ, những ngày vừa qua, chúng ta nói về khởi nghiệp, đổi mới công nghệ có vai trò rất lớn đối với đất nước. Đó có phải việc quan trọng cần triển khai ngay đầu năm 2019 hay không?”.

Thủ tướng cũng yêu cầu thảo luận một số vấn đề nổi cộm, cần sớm giải quyết, trong đó có vấn đề giải quyết khiếu kiện của nhân dân. Tại phiên họp, Thủ tướng thông báo đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phụ trách, cùng sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm hiện nay. “Vấn đề này cơ bản của địa phương nhưng chúng ta phải giải quyết, không để tình hình nghiêm trọng, phải kiểm điểm làm rõ, xử lý dứt điểm vấn đề đó”.

Vấn đề nữa Thủ tướng lưu ý là việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán hay vấn đề cung ứng điện. “Bây giờ, đâu đó cứ nói trên báo sẽ cắt điện dịp này, dịp khác. Tôi đã viết nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Các đồng chí Bộ Công Thương, EVN chỉ đạo thế nào về vấn đề này?" Thủ tướng nêu rõ thái độ cương quyết, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng mất điện. Thủ tướng một lần nữa yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019.

Trước việc xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc, có điểm cách biên giới Việt Nam chỉ hơn 100 km, Thủ tướng nêu rõ, có biện pháp quyết liệt để phòng chống, ngăn chặn dịch.

Thủ tướng cũng nhắc xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, nhất là vào dịp Tết, bởi vừa qua, Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần tập trung thảo luận, có biện pháp quyết liệt để loại trừ.

Đề cập đến tình hình tháng 11, Thủ tướng nhìn nhận, đạt kết quả tốt, toàn diện. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung thảo luận các tồn tại, hạn chế, vấn đề nổi lên cùng một số vấn đề cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, như việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai nhiệm vụ ngay đầu năm 2019.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, cho ý kiến về việc giao kế hoạch vốn năm 2018 cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có quyết định và dự toán chuẩn bị đầu tư sau ngày 31/10/2017; tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết; các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh; kết quả kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng tháng 11/2018; báo cáo thẩm tra Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng; Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng…

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp này.


Theo chinhphu.vn/hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Ván bài lật ngửa' tại MBLand

Hai cổ đông mới, một cá nhân và một pháp nhân đã hoàn tất sở hữu tổng cộng 96,43% vốn của MBLand. Dù vậy, có nhiều chỉ dấu cho thấy họ không phải những nhà đầu tư thực sự đứng sau thương vụ thâu tóm đình đám này.