Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Sẵn sàng trước “giờ G”

28/06/2021 17:26

Kinhte&Xahoi LTS: Ngày 1-7-2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Mục đích triển khai mô hình này là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để làm rõ hơn về chủ trương này, Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài “Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Sẵn sàng trước “giờ G””.

Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Bài 1: Gỡ “nút thắt” để phát triển

 Thủ đô Hà Nội hiện có nhiều khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng vẫn thực hiện quản lý, điều hành bởi các quy định áp dụng chung với khu vực nông thôn nên đã bộc lộ không ít bất cập. Trước thực tế đó, sự ra đời của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều “nút thắt” giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.

Khối lượng công việc lớn và những bất cập

Tính riêng quý II-2021, lượng hồ sơ giao dịch tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) đã lên tới gần 3.800 hồ sơ. Để hoàn thành nhiệm vụ tham mưu xử lý các hồ sơ, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Quán Thánh thường phải dành trung bình 10 giờ/ngày để làm việc.

Tại UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), nơi có 8,8 vạn dân cùng rất nhiều dự án đang triển khai, lượng hồ sơ hành chính giao dịch hằng ngày cũng rất lớn. Bà Hoàng Thu Lê, cán bộ UBND phường Hoàng Liệt cho biết: “Hằng ngày chúng tôi phải trình ký rất nhiều hồ sơ, trong khi lãnh đạo UBND phường còn phải giải quyết nhiều công việc khác nên không tránh khỏi những lúc chậm trễ. Riêng năm 2020, có tới 10.881 hồ sơ chứng thực, hộ tịch được thực hiện tại UBND phường”.

Còn Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Vương Quốc Tiến thông tin: “Phường Thanh Lương có diện tích 1,6km2, với 2,2 vạn dân, địa hình đa dạng, có cảng, có sông, có đê... nên khối lượng công việc cán bộ, công chức phải giải quyết hằng ngày khá lớn, nhiều việc phức tạp”.

Phải làm ngoài giờ nhiều mới bảo đảm được khối lượng công việc cũng là tình trạng chung ở hầu hết các phường, nhất là những phường có quy mô dân số lớn như: Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), Phúc La (quận Hà Đông), Định Công (quận Hoàng Mai)… Trong khi đó, quy định hiện nay là không sử dụng lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn. Rõ ràng, công tác quản lý địa bàn tại nhiều phường ở Thủ đô Hà Nội nếu không có sự đổi mới, không căn cứ vào đặc thù sẽ gây áp lực, quá tải đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Mặt khác, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương phân tích, theo quy định trước đây, cán bộ phường được thiết lập theo quy trình bầu cử nên bị chi phối nhiều bởi mối quan hệ dòng tộc, địa phương, có những lúc muốn đổi mới, luân chuyển cán bộ từ cơ quan, đơn vị khác về công tác thì khi ứng cử lại không trúng. 

Mở hướng đi mới

Công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” của UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) luôn nỗ lực giải quyết hồ sơ nhanh chóng cho công dân. Ảnh: Hiền Thu

Trước nhiều bất cập đặt ra, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã báo cáo, đề xuất với Trung ương được thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Tại Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, Bộ Chính trị đã “đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.

Trên cơ sở đó, Hà Nội đã tiến hành các bước theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan, thực hiện nghiên cứu, xây dựng đề án một cách công phu, khách quan, khoa học. Ngày 27-11-2019, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Sau đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 31-12-2019 về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội". Các văn bản quan trọng này đã mở ra cho Thủ đô Hà Nội một hướng đi mới để tháo gỡ các “nút thắt”.

Trong đó, tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP đã có nhiều quy định phân định rõ cách quản lý của chính quyền đô thị khác với chính quyền ở khu vực nông thôn. Điển hình như để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, Nghị định cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính... “Quy định mới này sẽ giúp giảm tải được rất nhiều công việc cho lãnh đạo phường và công dân cũng sẽ không mất nhiều thời gian chờ đợi”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh nhận định.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hiền (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi đã từng phải đi lại hai lần trong ngày mới lấy được kết quả hồ sơ hành chính vì lãnh đạo phường bận đi họp không ký được giấy tờ. Vì vậy, tôi rất mong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị để công chức tư pháp - hộ tịch được ký chứng thực, giảm việc chờ đợi cho công dân".     

Ngoài ra, tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP cũng quy định Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường. Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương cho rằng: “Quy định này giúp thuận lợi khi điều động, luân chuyển cán bộ giữa các phường, tránh bị chi phối bởi mối quan hệ dòng họ, địa phương”.

Đáng chú ý, tại Điều 6 của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của UBND phường, gồm: Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, các công chức khác. Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Nguyễn Thao Hùng cho rằng, quy định cụ thể như vậy rất rõ ràng, sát thực, tạo thuận lợi và bảo đảm sự kịp thời khi chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng ở cơ sở.

(Còn nữa)

Hiền Chi - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải cứu các hãng hàng không: Cần công bằng, hiệu quả

Các DN hàng không đang rơi vào tình trạng kiệt quệ chưa từng thấy sau hơn một năm chống chọi với dịch Covid-19. Hơn hết nào hết, họ cần được giải cứu để tránh nguy cơ rơi vào bờ vực phá sản. Tuy nhiên, điều quan trọng là giải cứu các DN hàng không như thế nào để đảm bảo công bằng, hiệu quả.

Nguồn: Hà Nội mớihttp://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Cai-cach-hanh-chinh/1003966/thuc-hien-thi-diem-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-ha-noi-san-sang-truoc-gio-g