Nguyên nhân gia tăng ma túy học đường
Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội.
Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại ma túy đang lưu hành trái phép. Ma túy không chỉ làm hủy hoại sức khỏe bản thân người nghiện, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại biết bao hệ lụy cho giới trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến học sinh sa ngã vào ma túy được cho là do tâm lý học sinh dễ bị kích động; chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến học sinh sa ngã vào ma túy được cho là do tâm lý học sinh dễ bị kích động; chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo và thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình, nhà trường.
Ngoài ra, việc truyền thông phòng chống ma túy học đường cũng chưa thực sự tốt. Từ đó, các bạn học sinh sinh viên hiện nay chưa có những hiểu biết đầy đủ về ma túy như khái niệm, các chất, các loại ma túy...
Điều đó dẫn các bạn tới thái độ thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng với những loại ma túy trá hình đang phổ biến (shisha, bóng cười, cần sa…), những loại ma túy tổng hợp và đặc biệt nguy hiểm là ma túy đá.
Truyền thông phòng chống ma túy học đường còn nhiều bất cập
Hiện nay, mặc dù các trường đã tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, tần suất thực hiện còn thưa thớt, thiếu tính liên tục.
Mỗi năm trường chủ yếu chỉ tổ chức 1 lần hoặc tập trung vào những tháng, những đợt cao điểm về phòng chống ma túy.
Các hoạt động chứa các nội dung chậm được đổi mới, chưa tính đến đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, các đối tượng khác nhau mà vẫn rập khuôn, cứng nhắc như nhau cho mọi đối tượng. Chưa kể, hình thức tổ chức các hoạt động này chưa gây được hứng thú cho các em tham gia.
Trong khi đó, hầu hết các em học sinh tham gia các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy mang tính ép buộc, tham gia cho có và không chủ động tham gia.
Đồng thời, ở trường học, những hoạt động truyền thông không được giám sát kỹ lưỡng, thiếu sự đồng nhất về nội dung có thể vô tình tạo ra phản ứng ngược.
Việc tuyên truyền phòng chống ma túy được tổ chức thực hiện thông qua đài truyền hình của tỉnh và đài phát thanh nhưng chưa đạt được hiệu quả cao. Các phương pháp truyền thông chủ yếu còn thô sơ như: treo pano, khẩu hiệu, áp phích, băng rôn;...
Việc tổ chức các biện pháp tuyên truyền phòng, chống ma túy bằng hình thức sân khấu hóa, chiếu phim lưu động, kể truyện, tài liệu sách vở còn nhiều hạn chế và chưa có sự đồng bộ.
Kết quả công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy đạt được chưa cao, chưa thực sự hướng đến đối tượng là học sinh, sinh viên.
Các hình thức truyền thông chưa phong phú, chưa thuyết phục vì ít dẫn chứng cụ thể. Ít những hoạt động ngoại khóa để HSSV được trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến ma túy. Tạo thêm nhiều cơ hội hơn nữa để HSSV được tiếp xúc với những người thật, việc thật.
Các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy ở các trường học chưa thực sự theo định hướng cụ thể từ Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo và các ban ngành có liên quan; vì vậy chưa tạo được sự đồng nhất trong việc triển khai các kế hoạch, nội dung truyền thông cụ thể đến từng trường học.
Những bất cập này dẫn đến việc nhiều em học sinh, sinh viên không có nhiều những kỹ năng để phòng chống ma túy hay để đối đầu, xử lý với nhiều tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Đồng thời, các em còn nhiều lỗ hổng trong mảng nhận thức về ma túy nói chung, dẫn đến dễ trở thành nạn nhân của "cái chết trắng".
Để khắc phục tình trạng này, vấn đề cấp thiết là phải xây dựng được bộ tài liệu cung cấp những kiến thức chuẩn xác và đầy đủ về ma túy, đồng thời hướng dẫn những kỹ năng giúp các em tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy.
Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, mới đây Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Bộ tài liệu trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
PV - Pháp luật Plus