Tỉnh Quảng Bình cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát "thiếu đủ thứ"

20/01/2020 15:49

Kinhte&Xahoi Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai, khoáng sản và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Ảnh minh họa

Ngày 31/12/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận Thanh tra số 2376/TB-TTCP về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai, khoáng sản và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thời kỳ thanh tra từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2017.

Kết luận đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động khoáng sản bảo vệ môi trường. Theo đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh (trừ Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La) chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp tập trung theo quy định. Công tác quản lý chất thải nguy hại, rà soát các cơ sở nhỏ lẻ có phát sinh chất thải nguy hại chưa được thực hiện đầy đủ, hạ tầng xử lý chất thải nguy hại của tỉnh chưa được đầu tư...

UBND huyện Bố Trạch, huyện Quảng Trạch chưa tuân thủ chặt chẽ quy định trong việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường/xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. UBND TP Đồng Hới thiếu chỉ đạo, giám sát để các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đi vào hoạt động khi chưa có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Phần lớn các khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá đều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hiệu quả trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa cao.

Việc cấp giấy phép tạm thời của UBND tỉnh Quảng Bình cho một số đơn vị khai thác cát làm vật liệu xây dựng chưa đầy đủ: Thiếu giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, bản vẽ thiết kế, chưa phù hợp quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 (cấp giấy phép khai thác cát san lấp cho Công ty TNHH Vật tư và Xây dựng Thăng Long và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng tổng hợp Thái Hoàng).

Một số cán bộ, công chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình được giao nhiệm vụ kiểm tra thực địa, lập biên bản kiểm tra thực địa và lập biên bản giao mỏ khai thác cát san lấp tại thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch cho Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Trung Dương không chính xác; điều chỉnh diện tích, toạ độ tài nguyên mỏ mà không yêu cầu đơn vị điều chỉnh về nội dung cam kết bảo vệ môi trường, thiết kế khai thác mỏ, báo cáo kinh tế- kỹ thuật… là chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Một số quyết định cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp cấp giấy phép tạm thời khai thác khoáng sản sau khi đã hoàn thành việc khai thác, chưa phù hợp với quy định thuê đất trong hoạt động khoáng sản. Thanh tra Chính phủ nêu rõ, tiền nợ thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường lên tới trên 75,2 tỷ đồng. Trách nhiệm trước hết thuộc về các tổ chức, cá nhân nợ thuế tài nguyên, cấp quyền khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường; Cục Thuế tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, đối với công tác quản lý nhà nước, thực hiện quy định pháp luật về đất đai, bên cạnh những việc đã làm được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, Thanh tra chỉ rõ, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất năm 2020 và việc lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 còn chậm, một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thực hiện đạt tỷ lệ thấp. Việc giao đất, sử dụng đất đối với 2 dự án có sử dụng đất rừng trồng phòng hộ, đất rừng trồng sản xuất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định (Dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Đức Thằng...) Chưa xử lý lý dứt điểm những tồn tại của 335 hộ kinh doanh theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Tổ chức đấu giá sử dụng đất có xảy ra tồn tại về trình tự, thủ tục... 13 dự án được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ đầu tư, hoặc ngừng, tạm ngừng hoạt động, chưa được xử lý kịp thời (7 dự án dọc đường Trương Pháp, phường Hải Thành; 1 dự án ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới và 5 dự án tại Khu công nghiệp, khu kinh tế). Tiền sử dụng đất còn nợ đến tháng 6/2017 là gần 54,7 tỷ đồng (riêng địa bàn TP Đồng Hới trên 44,5 tỷ đồng).

Về quy hoạch xây dựng, chậm bố trí vốn các dự án quy hoạch, cho phép điều chỉnh quy hoạch chưa chặt chẽ, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 chưa phù hợp với quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt (như dự án Khu dân cư phía Tây Bắc đường Lê Lợi). Thanh tra Chính phủ phát hiện việc cấp phép 3 công trình chưa đúng về mật độ xây dựng, khoảng lùi theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, TP Đồng Hới gồm: Công trình Khách sạn Đá Nhảy của Công ty cổ phần thuỷ sản Sông Gianh Quảng Bình; Công trình Khách sạn Vĩnh Hoàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoàng; Công trình Amanda của Công ty TNHH Cát Tùng Lâm,


Thông báo Kết luận Thanh tra số 2376/TB-TTCP về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai, khoáng sản và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thông báo Kết luận Thanh tra số 2376/TB-TTCP về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai, khoáng sản và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Đến thời điểm thanh tra còn có 46 dự án triển khai chậm tiến độ, trong đó 41 dự án vốn đầu tư trong nước và 5 dự án FDI. Sau khi được thanh tra, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo rà soát xử lý, kết quả đã có 14 dự án đi vào hoạt động, 10 dự án được tỉnh đồng ý cho phép giãn tiến độ; 5 dự án, nhà đầu tư đề xuất dừng, tìm vị trí mới do không thể giải phóng mặt bằng hoặc không triển khai. Như vậy còn 17 dự án chậm tiến độ.

Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, Thông báo Kết luận Thanh tra số 2376 còn chỉ rõ việc phê duyệt dự án đầu tư dàn trải, nhiều dự án đầu tư có tổng mức đầu tư nhỏ, tổng mức các dự án đã phê duyệt vượt khả năng cân đối vốn ngân sách, bố trí vốn chưa phù hợp quy mô, nhóm loại công trình... Một số dự án triển khai dở dang nhưng do không được tiếp tục bố trí vốn nên dừng thi công, không phát huy được hiệu quả đầu tư như: Đường cứu hộ cứu nạn sông Gianh, huyện Quảng Trạch và 42 công trình cấp nước tập trung nông thôn cần phải có giải pháp giải quyết, xử lý kịp thời.

Với Thông báo kết luận trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Bình để giải quyết vướng mắc trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Huyền thoại” Vodka Hà Nội một thời đang ngập trong thua lỗ

Trong 5 năm trở lại đây, Halico - đơn vị sở hữu các thương hiệu rượu đình đám một thời như Vodka Hà Nội, Lúa Mới… liên tục chìm ngập trong thua lỗ. Trong khi vốn điều lệ chỉ là 200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 410 tỷ đồng thì tổng lỗ luỹ kế đến cuối năm 2019 của Halico đã lên tới 402,9 tỷ đồng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-quang-binh-cap-phep-cho-doanh-nghiep-khai-thac-cat-thieu-du-thu-d115526.html