Tổ chuyên gia tình nguyện vào miền Trung chống COVID-19

02/08/2020 12:22

Kinhte&Xahoi Tổ công tác của trường Đại học Y Hà Nội và BV Đại học Y Hà Nội nhận quyết định vào hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung chống COVID-19.

Nhóm chuyên gia của trường Đại học Y Hà Nội và BV Đại học Y Hà Nội nhận quyết định vào miền Trung công tác. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Trao đổi với phóng viên, GS. TS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, nhà trường đã lựa chọn một tổ công tác về xét nghiệm, gồm đầy đủ các chuyên gia, từ lấy mẫu, mã hóa đến xử lý mẫu... vào Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung để tham gia đào tạo, hỗ trợ xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ COVID-19. 

Các thành viên tham gia tổ công tác là những cán bộ chủ chốt, có sức khỏe, có kinh nghiệm, đã thực hiện xét nghiệm gần 10.000 mẫu COVID-19 tại lab của trường trong giai đoạn phòng chống COVID-19 vừa qua.

“Chính phủ và Bộ Y tế đang tập trung vào chống dịch COVID-19 ở điểm nóng Đà Nẵng, Quảng Nam, với thế mạnh là nguồn đào tạo hàng trăm thế hệ bác sĩ, chuyên gia, chúng tôi luôn sẵn sàng và mong muốn chung tay cùng Chính phủ và Bộ Y tế hỗ trợ cho Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Hiện, BV Bạch Mai đang lắp đặt trang thiết bị tại một số địa phương trong miền Trung, ngay sau khi lắp đặt xong, chúng tôi sẽ đưa cán bộ vào để trực tiếp vận hành và đào tạo cho lực lượng cán bộ tại chỗ”, GS. TS. Tạ Thành Văn chia sẻ.

Tại buổi trao quyết định cho tổ công tác lên đường, Hiệu trưởng Tạ Thành Văn cho biết, tổ công tác đều là các thành viên tình nguyện vào vùng dịch để chung tay cùng nhân dân miền Trung phòng chống dịch. Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ các thành viên tổ công tác, “nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa để tổ công tác giúp địa phương xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19. Không chỉ trực tiếp làm việc, các chuyên gia còn quan tâm đến công tác đào tạo cho các cán bộ địa phương theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, để khi tổ công tác rút, địa phương hoàn toàn làm chủ được các kỹ thuật với chất lượng cao. Vì thế, các chuyên gia cũng cần mang theo các tài liệu giảng dạy để đào tạo, cũng như tìm hiểu xem địa phương đang cần gì để mang vào hỗ trợ”.

BSCK1 Nguyễn Thúy Hà, Bộ môn Hóa sinh, nữ bác sỹ duy nhất trong tổ công tác lần này, chia sẻ, tổ công tác sẽ hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung không ấn định thời gian trở về.

"Vì người dân và các đồng nghiệp ở miền Trung đang cần sự hỗ trợ, nhà trường cũng đang cần, nên chúng tôi xung phong lên đường. Trong đơn vị tôi, rất nhiều bạn cũng xung phong và tôi may mắn hơn họ nên được chọn. Chúng tôi không sợ lây bệnh, vì chúng tôi có kiến thức sâu về lĩnh vực này, lại được phòng hộ đầy đủ, cùng với kinh nghiệm đã làm hơn 7.000 mẫu COVID-19 an toàn và hiệu quả. 

Khi trở về, nếu phải cách ly 14 ngày, chúng tôi đã xin nhà trường được cách ly tại lab, để chúng tôi có thể tiếp tục làm việc”, BSCKI Thúy Hà cho biết.

Thúy Hà  -  Theo Báo Chính phủ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tìm chỗ đứng cho sản phẩm OCOP

Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ có 1.000 sản phẩm được công nhận, cấp sao. Để các sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, các cấp, ngành chức năng thành phố đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, từ đó tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của các địa phương.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/to-chuyen-gia-tinh-nguyen-vao-mien-trung-chong-covid-19-d130996.html