Tôn vinh bánh mì và văn hóa ẩm thực Việt

25/03/2020 10:00

Kinhte&Xahoi Sau những tôn vinh danh nhân văn hóa: Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh, ngày 24-3, Google công bố "Google Doodle Bánh mì" - hình ảnh động của ổ bánh mì Việt Nam trên trang chủ Google Việt Nam cùng trang chủ Google của 10 quốc gia khác. Lần nữa, ta lại thấy sức lan tỏa của ổ bánh mì Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới.

Google công bố “Google Doodle Bánh mì” trong ngày 24-3 (Ảnh chụp từ màn hình)

Sinh ra từ cuộc "hôn phối" Pháp - Việt, bánh mì từ chỗ là món ăn du nhập đã được biến tấu để trở thành món ăn đường phố phổ biến nhất tại Việt Nam, bởi sự dễ kết hợp cùng các nguyên liệu khác, đa dạng về cách chế biến cũng như tính tiện lợi, nhanh chóng của nó. Bánh mì cũng là một trong những món ăn thích hợp cho cả ba bữa trong ngày, cho nên trên đường phố Việt Nam hôm nay, sự xuất hiện của những xe bánh mì, gần như có trên mọi con đường, đã trở thành hình ảnh đặc trưng. Đến mức, trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2018, thí sinh Việt Nam H’Hen Niê đã chọn trang phục "Bánh mì" để dự thi.

Trên trang chủ Google mọi người có thể thấy chiếc bánh mì không chỉ xuất hiện đơn lẻ mà được thiết kế như đang đặt trên một xe bánh mì, với các thức ăn kèm như pa-tê, chả lụa, đồ chua, dưa leo, nước tương… Chỉ trong mấy giây ngắn ngủi, công đoạn làm bánh mì cũng được trình bày sơ qua, từ khâu cắt bánh mì, phết patê, gắp nhân, xịt nước chan. Để người xem thấy rằng việc tạo ra một món bánh mì không quá khó khăn nhưng lại có thể chiều theo bất kỳ khẩu vị nào bởi sự dễ chịu trong chính sự kết hợp phóng khoáng của nó.

Có thể nói, bánh mì ở Việt Nam là một phần linh hồn của ẩm thực đường phố. Từ món ăn phổ thông thành món ăn "quốc dân" của người Việt và cùng người Việt đi khắp năm châu bốn biển. Không hiếm những kiều bào đã chọn món bành mì để làm sinh kế, lập nghiệp ở xứ người. Như thương hiệu Lee’s Sandwitches, với 59 chi nhánh ở Mỹ, hay những hàng dài người mua xếp hàng để chờ thưởng thức món bánh mì của tiệm "Xin chào" ở thành phố Tokyo, Nhật Bản.
 
Cùng với sự quảng bá rộng rãi, bánh mì trở thành thương hiệu được yêu thích, được nhiều ngôi sao quốc tế, thậm chí nguyên thủ quốc gia tìm thưởng thức mỗi khi đến Việt Nam, như Thủ tướng Úc thưởng thức bánh mì Hội An chẳng hạn, đủ sức cạnh tranh với những món ăn hay thương hiệu quốc tế.

Chính vì những lý do đó mà tờ "The Guardian" đã xếp bánh mì vào vị trí thứ 2 trong danh sách các món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Còn nhớ cách đây vài tháng, một vài du khách bị cách ly vì dịch bệnh ở Đà Nẵng phàn nàn về món bánh mì Việt Nam. Ngay lập tức đã bị dư luận trong nước lên tiếng phản đối, hàng loạt thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế, tranh ảnh, để biến thành cơ hội quảng bá cho món bánh mì Việt Nam. Chứng tỏ, bánh mì không chỉ là món ăn phổ thông bình thường nữa mà trở thành một phần trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dịch Covid-19: Chung tay cùng hộ kinh doanh vượt khó!

Sau hơn 3 tháng hoành hành, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó những thực thể bị ảnh hưởng ngay và trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hà Nội. Để cắt lỗ, nhiều hộ kinh doanh buộc phải tìm đủ cách xoay xở, chuyển hướng hoạt động, thậm chí chấp nhận sang nhượng, trả lại mặt bằng… Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều người cho thuê mặt bằng đã chung tay giúp đỡ khách thuê vượt qua khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo Người Lao động/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/ton-vinh-banh-mi-va-van-hoa-am-thuc-viet-d120151.html