TP HCM thông qua việc lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến tháng 4/2022

19/10/2021 14:44

Kinhte&Xahoi Hội đồng nhân dân TP HCM đã có Nghị quyết thông qua việc lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến tháng 4/2022 thay vì 1/10 theo kế hoạch trước đó.

Ảnh minh họa.

Sáng 19/10, Hội đồng nhân dân TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 đã có Nghị quyết thông qua việc lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM đến ngày 1/4/2022, thay vì 1/10 theo kế hoạch trước đó. Đây là lần thứ 2 TP HCM lùi thời gian thu phí cảng biển do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM ông Lê Hòa Bình, việc lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi kinh tế. Hơn nữa, việc điều chỉnh này sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo Nghị quyết của HĐND TP HCM, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố.  Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP (bao gồm tổ chức cá nhân mở tờ khai hải quan tại TP và ngoài TP). Mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container.

Theo Sở GTVT TP HCM, việc thu phí nói trên là để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.

 Trước đó, từ ngày 1/7/2021, TP HCM có kế hoạch thu phí cảng biển, tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên TP HCM lùi thời gian thu phí đến ngày 1/10. Đến hiện tại, TP HCM tiếp tục lùi thời gian thu phí cảng biển đến ngày 1/4/2022.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giảm huy động khí cho phát điện ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhiều địa phương

Các tỉnh thành trọng điểm phía Nam như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau ước tính sẽ giảm thu ngân sách đáng kể từ nguồn nhiệt điện khí khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm mạnh huy động khí cho phát điện, không đảm bảo theo kế hoạch đã được thống nhất và chỉ đạo của Bộ Công thương.

Nguồn: Pháp luật Plus