TP HCM tràn lan xây dựng không phép, sai phép do đâu?

15/07/2019 14:25

Kinhte&Xahoi Tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa IX diễn ra mới đây, các đại biểu (ĐB) đã đặt nhiều vấn đề liên quan đến những vướng mắc trong lĩnh vực quản lý xây dựng. Trong đó, một vấn đề làm nóng các cuộc họp bàn là việc xây dựng sai phép hiện nay đang diễn ra tràn lan, nguyên nhân do đâu?

110 biệt thự của Hưng Lộc Phát đang bị các cử tri chất vấn về việc xây dựng không phép

Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, TP HCM đã ban hành gần 4.800 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với xây dựng không phép, sai phép. Trong đó, gần 1.200 trường hợp tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn…

Một ĐB đặt câu hỏi: Nguyên nhân vì sao ở những địa bàn này xảy ra nhiều trường hợp xây dựng sai phép, không phép? Có phải đang có vấn đề về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, vấn đề thủ tục cấp phép xây dựng cũng như thủ tục hoàn công cho người dân trong quá trình thực hiện xây dựng?

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình giải trình, với công trình xây dựng trải qua 3 giai đoạn là chuẩn bị đầu tư (hoàn tất thủ tục cấp phép xây dựng và phê duyệt dự án), thực hiện đầu tư và đưa vào sử dụng (hoàn tất xây dựng và kiểm tra để cấp giấy). Qua phân tích, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư có 13,6% là công trình không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên dường như thủ tục cấp phép còn khó khăn, rườm rà, chưa đem lại sự tiện lợi cho người dân, dẫn đến việc người dân đủ điều kiện nhưng lại chưa đi xin phép xây dựng. Cần có giải pháp khắc phục, kéo giảm thủ tục hành chính, tiện lợi hơn trong cấp phép xây dựng.

Về 37,6% trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng thì phải xử lý nghiêm và “đây là vi phạm pháp luật chứ không phải vi phạm xây dựng”. “Trật tự xây dựng không phép, sai phép phần lớn xảy ra ở các quận, huyện đang đô thị hóa có nguyên nhân là do quy hoạch, lực lượng phối hợp thanh, kiểm tra chưa tốt”,ông Bình thừa nhận và nhấn mạnh, sắp tới, sẽ có giải pháp cơ chế phối hợp của quận ủy, huyện ủy với UBND quận, huyện để giải quyết vấn đề.

Cụ thể, trong tháng 8/2019, Sở sẽ điều chỉnh lại quy chế làm việc với đội thanh tra địa bàn và thanh tra cơ động của Sở.

Song song đó, có quy trình liên thông cấp giấy giữa Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP, khi khởi công xây dựng, Thanh tra xây dựng thanh tra về hoạt động xây dựng, còn Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra về hoạt động công tác cấp giấy.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng, các cấp, các ngành cần phải nhận diện cho đúng, cho trúng và thấy được bản chất, thấy được đối tượng; để từ đó có giải pháp thích đáng với những trường hợp vi phạm để giải quyết tình trạng trật tự xây dựng.

Theo ông Hoan, cốt lõi vấn đề không phải ở việc xây dựng không phép, trái phép của người dân, mà thực chất là ở việc “đầu nậu”, “cò đất” cố tình vi phạm và lôi kéo người dân mua bán khi không đủ giấy tờ pháp lý mới là đối tượng cần phải xử lý nghiêm. Người dân mua đất cũng chỉ là nạn nhân, bị lừa mua và đưa vào hoàn cảnh đối diện với chính quyền.

Trong khi đó việc phát hiện các vi phạm này chậm do cơ chế phối hợp trong công tác quản lý chưa chặt chẽ; sau khi phát hiện cũng xử lý chưa tới nơi tới, chốn. Ông Hoan cho biết, Công an TP cùng Sở Tư pháp vừa trình dự thảo về vấn đề xử lý nghiêm chủ đầu tư cố tình xây dựng sai phép, không phép với quan điểm xử lý nghiêm, theo từng cấp độ. 

Cũng tại hội nghị, các ĐB cũng đã chuyển ý kiến của cử tri quận 7, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng TP thông tin việc 110 biệt thự của Công ty Hưng Lộc Phát xây dựng không phép.

Về việc này, ông Bình cho biết, Sở đã có báo cáo cho Chủ tịch UBND TP và Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị. Qua đó, Chủ tịch UBND TP có họp và kết luận kiểm tra đánh giá việc này.

Theo ông Bình, thiếu sót của dự án này khiến phải dừng thi công nằm ở giai đoạn thực hiện đầu tư. Bởi vì dự án đã được chấp thuận đầu tư và được phê duyệt quy hoạch, được thẩm định thiết kế của Bộ Xây dựng. Hiện Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận 7 kiểm tra, kiểm điểm lại việc này.

Thiếu sót ở giai đoạn thực hiện đầu tư thì theo quy định chủ đầu tư có quyền trong 60 ngày để bổ sung thủ tục. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng, việc này không vi phạm thi công. “Đây là một bài học cần phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường. Còn về trách nhiệm của Sở, tôi xin nhận trách nhiệm này và báo cáo kiểm tra lại toàn bộ vụ việc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP”, ông Bình thừa nhận. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đặt tên cho “đứa con tinh thần”- dễ mà không dễ

Với người kinh doanh thì sản phẩm và công ty kinh doanh thực sự là đứa con tinh thần của họ. Mà đã là “con” thì cũng cần phải nghĩ ra cái tên không chỉ thật đúng, đủ mà còn phải đẹp, phải kêu, để khai sinh, để tồn tại với đời và làm rạng mặt “cha mẹ”. Và từ đó là những chuyện bi hài xảy ra…

Nguồn: Pháp luật Plus