Học sinh được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước bối cảnh số ca mắc mới ở trường học đang tăng lên, thành phố chủ trương lấy việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe trẻ em là trên hết. Theo đó, thành phố đã có chiến dịch để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em có nguy cơ cao.
Còn theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 7 - 9/3, tại các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2 và tầng 3 đang điều trị cho 450 trẻ em dưới 16 tuổi. Qua ghi nhận tại các bệnh viện, số trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng, đa số trẻ không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ khi học sinh trở lại trường đi học, số học sinh và giáo viên mắc COVID-19 tăng nhiều. Trong số những trẻ có biểu hiện sốt đến khám tại bệnh viện có đến 30% là mắc COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết đều bị nhẹ và được điều trị ngoại trú. Dự báo, số trẻ mắc COVID-19 sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Thời điểm này, tuy số trẻ mắc COVID-19 tăng, nhưng tỷ lệ bị nặng rất thấp. Cụ thể, ngày 7/3, tại khoa điều trị COVID-19, có 200 trường hợp F0 đang được điều trị nội trú, trong đó có 130 trường hợp là trẻ em và 70 trường hợp là người lớn.
Trong số những trẻ đang nằm điều trị tại bệnh viện, có 50% trẻ mắc các bệnh lý nền, còn lại là những trường hợp sốt cao, co giật, gia đình lo lắng và nhà ở xa, mong muốn cho con ở lại điều trị. Có 90% là trẻ dưới 12 tuổi, trong đó có cả những trường hợp là trẻ sơ sinh. Tại bệnh viện, số ca nặng chiếm 15%, trong đó có 8% trẻ cần hỗ trợ hô hấp. May mắn, trong đợt này chưa có trường hợp trẻ tử vong”, bác sĩ Đỗ Châu Việt thông tin thêm.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1, trong những tuần gần đây số trẻ F0 đến khám ngoại trú có xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, số trẻ F0 tăng nhưng đa số đều bị nhẹ và không phải nhập viện điều trị nội trú. Những trẻ được chỉ định điều trị nội trú đa phần là trẻ có biểu hiện nặng, có bệnh lý nền như béo phì, tim mạch, ung thư…
Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết, hầu hết trẻ em mắc COVID-19 đều dễ dàng vượt qua và trẻ bị hậu COVID-19 rất ít. Hiện điều lo nhất hậu COVID-19 ở trẻ là hội chứng MIS-C (Hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em có liên quan đến tiền căn nhiễm SARS-CoV2). Tuy nhiên, nhân viên y tế cũng đã quen với hội chứng này và hiện cũng đã có thuốc điều trị, do đó người dân cũng không nên quá lo lắng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong hai tuần qua (từ ngày 15/2 - 2/3), số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3%, trong đó khối mầm non dưới 1%, tiểu học 2,6%, trung học cơ sở 2,4% và trung học phổ thông 3,1%.
Nguyễn Nguyên - TTTĐ