“Địa điểm hay concept chỉ giúp thu hút khách hàng đến với mình lần đầu tiên. Chất lượng đồ uống mới có thể khiến họ quay lại. Thú thực, hiện tại, tôi còn chưa nhìn thấy ‘mặt bột trà’ bao giờ”, đồng sáng lập Trà chanh Bụi phố nói.
Anh Nguyễn Hoàng Liên Tâm - đồng sáng lập Trà chanh Bụi Phố.
Vài tháng trở lại đây, trà chanh, từ một thức uống truyền thống, dân dã bỗng trở thành hiện tượng bùng nổ, là cơ hội kinh doanh "một vốn bốn lời" với doanh thu lên tới vài chục triệu một ngày. Nhưng bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho đây chỉ là một "trend" và giống như "cơn sốt" kinh doanh trà sữa trước đây.
Để khám phá xem thực tế liệu có như lời đồn, chúng tôi đã tìm đến và có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Liên Tâm - đồng sáng lập Trà chanh Bụi Phố.
Trong suốt buổi trò chuyện, có một điều anh Tâm luôn nhắc đi nhắc lại và dặn dò chúng tôi rằng, Bụi Phố là đứa con tinh thần của cả một tập thể, không phải riêng mình ai. Sự đồng lòng giữa những người bạn cùng chí hướng đã giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu để cùng nhau đưa thương hiệu Bụi Phố đi nhanh và phủ sóng rộng khắp cả nước với gần 400 cơ sở nhượng quyền.
Anh có thể chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với Bụi Phố được không? Từ Bụi Phố có mang ý nghĩa gì đặc biệt?
Tôi cùng nhóm bạn đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp rất tình cờ. Một bạn nữ trong nhóm sau một lần đi tìm quán trà chanh để ngồi nhưng không thể tìm thấy một địa chỉ nào đã vô cùng khó chịu, trằn trọc và chợt nảy ra ý tưởng rằng tại sao không mở một thương hiệu trà chanh mà đi đến đâu cũng có thể dễ dàng tìm thấy.
Từ đó, chúng tôi ngồi lại cùng nhau để tìm mô hình kinh doanh. Với quan điểm quán trà chanh phải gần gũi, không quá sang chảnh như cà phê nhưng cũng phải đem lại cảm giác thoải mái, đồng thời, không quá bụi bặm như trà chanh vỉa hè hiện tại.
Chúng tôi thử nghiệm 2 tháng, từ 14/11/2018 đến 14/1/2019 và chính thức khai trương quán trà chanh đầu tiên ở Bắc Ninh.
Ban đầu, tất cả đều không quá kỳ vọng vì mô hình lấp lửng, "nửa ông nửa bà", không sang trọng cũng chẳng dân dã, nên chưa biết thực tế có hiệu quả không. Nhưng may mắn và cũng rất bất ngờ khi Trà chanh Bụi Phố được các bạn trẻ đón nhận nhiều đến thế. Có thể nói, chúng tôi là một trong những đơn vị tiên phong với mô hình trà chanh ở khu vực miền bắc.
Chúng tôi lấy tên Bụi Phố vì đơn giản chỉ là muốn mang lại cảm giác gần gũi nhất, đồng thời vừa dễ kiếm tìm, vừa dễ làm.
Trong quá trình thành lập thương hiệu Bụi Phố, các anh có gặp khó khăn gì không?
Khó khăn thì vô kể nhưng lớn nhất là quá trình tìm ra được mô hình. Đó là công sức của rất nhiều người trong một thời gian dài, bởi vì đa số chúng tôi trước đó đều đi làm văn phòng, ngày chỉ làm 8 tiếng rồi về. Nhưng khi mở Bụi Phố, có khi phải làm đến 16h/ngày không được nghỉ ngơi. Đặc biệt là bị căng thẳng đầu óc vì phải đổi mới liên tục.
Vì sao Bụi Phố quyết định kinh doanh nhượng quyền?
Ban đầu, tôi cùng nhóm bạn quyết định thử nghiệm bằng cách mỗi người mở một quán, đều trong khu vực Bắc Ninh, với phương châm cứ làm đi, thành công là cái tốt nhưng thất bại thì cũng là bài học.
Như đã chia sẻ ở trên, hiệu ứng tốt hơn kỳ vọng. Đến khi mở địa điểm thứ 10, cả nhóm tự hỏi: "Tại sao mình không mở rộng thêm ra toàn miền Bắc?". Vậy là chúng tôi quyết định thí điểm 8 tỉnh trong khu vực miền Bắc, không có Hà Nội. Khi ngày càng có thêm nhiều cơ sở nhượng quyền, chúng tôi thành lập công ty để quản lý tất cả về một mối.
Việc nhượng quyền cấp cao nhất là toàn thành phố, như ở Hà Nội thì chỉ có một chủ quản lý tất cả. Còn ở các tỉnh khác thì có thể nhượng quyền đơn lẻ. Hiện tại, số đơn vị nhượng quyền đã lên tới 397, trải khắp khu vực miền Bắc và khoảng 10% khu vực miền trung, 5% khu vực miền Nam. Sài Gòn hiện chưa có.
Đáng nói, không phải Hà Nội mà Thanh Hóa và Nghệ An mới là nơi có lượng cơ sở nhượng quyền nhiều nhất, không huyện nào ở tỉnh nảy không có mặt Bụi Phố.
Nói về kinh doanh trà chanh, nhiều người thường nói "một vốn bốn lời", là người trong cuộc, anh thấy điều này có đúng không?
Câu nói này ở thời điểm khoảng 3 – 4 tháng trước, khi mà trà chanh bùng nổ nhất thì có thể đúng. Vào thời điểm ấy, doanh thu tại các cửa hàng của Bụi trung bình khoảng 10 - 15 triệu mỗi ngày, cao nhất lên đến 30 triệu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, rủi ro và cạnh tranh hơn rất nhiều. Một km vuông có đến mười mấy cửa hàng, nên chuyện "một vốn bốn lời" là không còn nữa.
Đa số các cửa hàng đều đang duy trì ở mức ổn định, không còn ở được như 3 – 4 tháng trước. Mùa đông cũng chậm hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trung bình của hệ thống vẫn đạt 30%, tương đối tốt so với kỳ vọng của công ty.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng mô hình trà chanh giống như Bụi Phố chỉ là kinh doanh theo trend, không bền vững và mùa đông này sẽ là một phép thử hiệu quả. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Ít nhất đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tính toán đến chuyện đó rồi. Chúng tôi chỉ cần đặt ra câu hỏi đơn giản: "Mùa đông, khát nước, các bạn có sẵn sàng đến ngồi uống trà chanh không?" là có thể trả lời được câu hỏi này.
Với khách quen, họ thích địa điểm, đồ uống thì họ vẫn sẽ đến thôi. Chúng tôi cũng bổ sung những đồ uống nóng nhưng thực tế khách hàng bây giờ không quá quan trọng vấn đề này.
Mùa đông có thể thử thách nhưng chỉ là không còn bùng nổ như mùa hè, nhưng vẫn có thể tồn tại được khá tốt. Tôi rất tin tưởng rằng trà chanh sẽ không lặp lại kịch bản như trà sữa vì giá rẻ hơn, gần gũi hơn.
Tuy nhiên về mặt chất lượng thì những đơn vị nào có chất lượng không tốt sẽ sớm bị đào thải.
Có quan điểm cho rằng yếu tố địa điểm chiếm đến 60% thành công của một cơ sở nhượng quyền trà chanh. Là một thương hiệu đã mở rộng đến gần 400 địa điểm trải khắp cả nước, anh nhận định thế nào về quan điểm này?
Điều này cũng rất khó nói, ở các thành phố, trung tâm thì có thể đúng. Nhưng ở những điểm tỉnh lẻ thì không hoàn toàn như vậy.
Đối với chúng tôi, địa điểm hay concept (phong cách – PV) chỉ có khả năng giúp thu hút khách hàng đến với mình lần đầu tiên. Chất lượng đồ uống mới có thể khiến họ quay lại. Vì vậy, Bụi Phố sử dụng 100% nguyên liệu sạch, sử dụng trà của nhiều vùng, tùy vào vụ trà nào ngon hơn thì chọn.
Hiện Bụi Phố cung cấp khoảng 100 đồ uống và món ăn kèm, đáp ứng cả 2 mùa nhưng mỗi cơ sở nhượng quyền thường chỉ chọn 20 - 40 món trong đó. Chúng tôi tự tin rằng chất lượng đồ uống mới chính là điểm giữ chân khách trở lại Bụi Phố.
Còn nhiều người cho rằng mình dùng bột trà để pha. Thú thật, hiện tại, tôi còn chưa nhìn thấy "mặt bột trà" bao giờ.
Các cơ sở nhượng quyền của Bụi Phố phải đáp ứng được yêu cầu gì? Đối với những cơ sở ở xa, việc quản lý khó khăn hơn, anh có cách gì để duy trì chúng thành một khối thống nhất?
Chúng tôi không quá căng thẳng về vấn đề điều kiện nhượng quyền. Chúng tôi đứng trên quan điểm là muốn tất cả mọi người cùng đi lên, tạo điều kiện cho tất cả cùng phát triển. Đương nhiên sẽ có những ràng buộc riêng về đồ uống, công thức, biển hiệu, logo.
Với những cơ sở quá xa, Bụi Phố cũng không quá căng thẳng trong việc quản lý. Vì chính tình hình kinh doanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của người nhận nhượng quyền nên họ luôn có ý thức phải làm những gì tốt nhất, để thu hút khách hàng và nhanh thu hồi vốn nhất. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng đồ uống.
Đặc biệt, khi tham gia vào hệ thống của Bụi Phố, các cơ sở coi nhau như những người trong cùng một gia đình. Chúng tôi có một niềm hạnh phúc và tự hào là các cơ sở trong hệ thống rất đoàn kết, đồng lòng với nhau trong những lúc thành công cũng như khó khăn.
Mục tiêu của Bụi Phố trong thời gian tới là gì?
Mục tiêu của Bụi Phố là ra mắt thành công ở Sài Gòn và khu vực miền Nam, ít nhất có thể bùng nổ như Hà Nội. Mục tiêu xa và lớn hơn là mang thương hiệu ra nước ngoài để quảng bá về văn hóa trà chanh của Việt Nam, tương tự như Cộng Cà phê vậy. Chúng ta có quyền mơ và tại sao lại không mơ lớn?
Xin cảm ơn anh!