Triển lãm “Dó Việt Xưa – Nay”

25/04/2019 16:05

Kinhte&Xahoi Từ ngày 24 – 25/4, tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), triển lãm trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống giấy dó của người Việt được tổ chức với chủ đề “Dó Việt Xưa – Nay”.

Thực hiện kế hoạch công tác năm 2019, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng với nghệ nhân, thợ thủ công, tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa tôn vinh các nghệ nhân và quảng bá làng nghề gắn với phố nghề truyền thống của Hà Nội. Một trong những hoạt động nổi bật là triển lãm trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống giấy dó Việt thời xưa và thời nay.

Công chúng được hòa mình vào không gian của buổi triển lãm với chủ đề Dó Việt Xưa - Nay.

Triển lãm “Dó Việt Xưa – Nay” được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn các giá trị di sản truyền thống về nghề giấy dó, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội.

Nghề làm giấy dó của người Việt ra đời từ rất lâu, cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau của xã hội Việt Nam xưa là in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, in tranh dân gian. Đặc biệt hơn, chất liệu giấy dó còn dùng để sản xuất giấy sắc dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến xưa.

Những tác phẩm được vẽ trên chất liệu giấy Dó tại triển lãm.

Giấy dó truyền thống dù mộc mạc, mong manh nhưng có tính dai, độ bền, hút ẩm tốt, một tờ giấy dó trải qua đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm – sự khác biệt giữa giấy dó với các loại giấy khác. Cũng chính bởi đa dạng trong cách sử dụng, giấy dó truyền thống thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, là chất liệu lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử từ hàng ngàn năm nước Việt.

Triển lãm cũng giới thiệu những tài liệu lịch sử viết trên chất liệu giấy dó truyền thống của người Việt.

Ông Nguyễn Phương Khánh, người gốc của làng Bưởi làm nghề giấy dó truyền thống của Việt Nam chia sẻ: “Điểm đặc biệt của giấy dó là làm từ loại cây Dó cùng họ với cây Dó Bầu dùng đề làm trầm hương. Các cụ ngày xưa tìm ra cây Dó đã từ hàng nghìn năm nay, từ khi có trường đại học Quốc Tử Giám thì nghề giấy dó ở vùng Bưởi chúng tôi đã phát triển. Bây giờ, nếu có điều kiện phục hồi lại nghề giấy dó thì đấy là điều vui mừng cho dân làng, cho nghề giấy dó của Việt Nam.”

Ông Nguyễn Phương Khánh, người gốc làng Bưởi làm nghề giấy dó truyền thống của Việt Nam,

Đến với triển lãm “Dó Việt Xưa – Nay”, người dân được hòa mình vào không gian trưng bày những tác tẩm nghệ thuật, sản phẩm in ấn trên chất liệu giấy dó cũng như giao lưu, tìm hiểu nghề làm giấy dó với các nghệ nhân, thợ thủ công từ các làng nghề như Hàng Trống (Hà Nội), Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), Dương Ổ (Bắc Ninh)...

Các nghệ nhân tái hiện lại công đoạn làm giấy dó.
Gian hàng viết chữ Nôm trên chất liệu giấy dó.
 
Rất nhiều người tỏ ra thích thú về loại giấy cổ của người Việt được giới thiệu tại triển lãm.

Ngày nay, sự phát triển của giấy công nghiệp đã phần nào lấn át những tờ giấy dó truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, do chưa được quảng bá rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, giấy dó chưa thực sự phát huy được hết giá trị trong cuộc sống hiện nay.

Vào ngày 4/5 tới đây, công chúng yêu thích văn hóa truyền thống có thể tham dự buổi tọa đàm về giấy dó Việt Nam. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu, tôn vinh nghề làm giấy Dó truyền thống của cha ông.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công từ làng nghề giấy dó, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như nghệ nhân Lê Đình Nghiên, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Đào Ngọc Hân, Đàm Quang Minh, Lý Trực Sơn... cùng đến chia sẻ những kinh nghiệm thực hành với giấy dó ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

 

Vũ Cừ/ HATAP



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vietjet Air vi phạm về quyền của người khuyết tật?!

Bàn về việc Vietjet Air bị “tố” phân biệt đối xử với hành khách khuyết tật trong mấy ngày qua, ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho rằng “Vietjet đã vi phạm về quyền của người khuyết tật khi tham gia giao thông”