Truyền thông chính sách

25/11/2022 07:03

Kinhte&Xahoi Truyền thông nói chung đã quan trọng. Truyền thông chính sách, một thành tố của truyền thông chính thống càng có vị trí quan trọng. Trong mọi giai đoạn luôn quan trọng, hiện nay, càng quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chính vì thế, chiều qua (24/11), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách. Chủ đề của Hội nghị là “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.

Xuất phát từ thực tiễn cách mạng, từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ V của Đảng (1981 - 1986), Đảng ta đã đề ra chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lần đầu tiên, phương châm này được Đảng ta chính thức đề ra, trở thành một chủ trương lớn, một phương châm hành động cụ thể. Hiện nay, phương châm đã được bổ sung thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đầu tiên dân phải biết, sau đó dân phải được bàn... đó là quy luật từ nhận thức đến hành động.

Trong tất cả mọi lĩnh vực đều nhận diện ra điều này. Ví dụ: hiện nay đất nước đang dồn nguồn lực để giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông vận tải; muốn giải ngân đầu tư công trên các công trình trọng điểm này đúng tiến độ, đầu tiên phải giải phóng được mặt bằng. Để làm được điều đó, dân phải biết về quy hoạch, chính sách đền bù và công khai, minh bạch. Thực tế cho dân, dân ta rất tốt, nhưng giải phóng mặt bằng chậm là do công tác truyền thông chính sách chưa tốt.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam. Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Truyền thông chính sách chính là quá trình chia sẻ thông tin về một chính sách cụ thể của Chính phủ đến người dân nhằm thu hút người dân và các bên liên quan vào quy trình chính sách, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công chúng để đạt được mục tiêu chính sách.

Bác Hồ từng căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”. Xin nhớ, lời căn dặn này của Bác Hồ từ năm 1947.

Thời đại chuyển đổi số, “truyền thông xã hội” đang “lên ngôi” thì nhiệm vụ truyền thông chính sách càng đặc biệt có ý nghĩa.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/truyen-thong-chinh-sach-d187047.html