TT huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội biến đất công thành nhà xưởng trái phép?

26/09/2019 16:58

Kinhte&Xahoi Hàng nghìn m2 đất trường bắn thuộc quyền quản lý của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội ngang nhiên biến thành nhà xưởng hoạt động trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC từ nhiều năm nay mà không bị xử lý?!

Mới đây, tòa soạn được phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) về việc hàng ngàn m2 đất trường bắn thuộc quyền quản lý của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội bị sử dụng làm nhà xưởng trái phép.

Hàng trăm m2 nhà xưởng được Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội cho thuê trái quy định.

Cụ thể, theo người dân cho biết Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội nằm trên trục đường chính dẫn từ quốc lộ 32 vào trung tâm xã Di Trạch. Tại một khu đất rộng hàng nghìn m2 thuộc quyền quản lý của trung tâm này trước đây được sử dụng vào mục đích làm trường bắn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội lại ngang nhiên xây dựng, lập nhà xưởng cho thuê mà không bị lực lượng chức năng can thiệp xử lý.

Có mặt tại vị trí này, PV nhận thấy những thông tin phản ánh là hoàn toàn có cơ sở. Ghi nhận bằng mắt thường có thể thấy một tổ hợp nhà xưởng được xây dựng tường bao, bắn mái tôn khung sắt kiên cố trên tổng diện tích ước chừng hàng nghìn m2. Phía bên trong khu nhà xưởng được sử dụng để sản xuất nhôm kính hoạt động rầm rộ hàng ngày.

Theo một người dân cho biết, hoạt động sản xuất nhôm kính trên thuộc về Công ty Xuân Linh, công ty này đã thuê lại khu nhà xưởng của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nhiều năm nay.

Trước những thực trạng trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Di Trạch. Tại đây, ông Mạnh xác nhận có việc khu đất trường bắn thuộc Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội biến thành khu nhà xưởng.

Cụ thể, ông Mạnh cho biết, khu đất trên được UBND huyện Hà Tây cũ giao cho Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội quản lý từ năm 2002 để phục vụ Seagame 22. Sau đó, khi Seagame 22 kết thúc, khu đất trường bắn bị bỏ hoang, biến thành bãi rác vô cùng ô nhiễm. Đến thời điểm năm 2016, Trung tâm có đề nghị cho xây quây tường bao quanh khu đất.

Cuối năm 2017, trên cơ sở tường quây cũ, trung tâm có cho dựng mái tôn như hiện nay. Trong quá trình trung tâm làm xã Di Trạch và huyện Hoài Đức có kiểm tra, qua quá trình kiểm tra trung tâm có văn bản cho biết trên cơ sở diện tích đất không sử dụng để lãng phí nên trung tâm tận dụng làm kho sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao để phục vụ cho hoạt động của trung tâm.

Trên cơ sở công trình này không thuộc diện công trình phải cấp phép theo quy định, do đó xã Di Trạch có văn bản đề nghị trung tâm trong quá trình làm thực hiện theo đúng quy định đảm bảo việc phục vụ cho trung tâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây trung tâm có liên kết cho đơn vị bên ngoài thuê lại khu xưởng.

Bên cạnh đó, ông Mạnh xác nhận khu nhà xưởng trên không sử dụng cho nội bộ trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Nói về hoạt động đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu xưởng này, ông Mạnh cho biết xã đã giao lực lượng công an kiểm tra rà soát nhưng đến nay chưa có báo cáo.

Như vậy, có thể thấy những phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Vậy, dựa vào đâu Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội lại ngang nhiên biến khu đất trường bắn thành nhà xưởng cho thuê trái quy định như thế? Lý do gì những vi phạm trên đã tồn tại một thời gian dài mà không hề bị xử lý? Trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Đề nghị UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sớm vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm sai phạm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tránh tạo tiền lệ xấu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không dám tưởng tượng khi cả chục hãng hàng không cùng cất cánh

"Ban đầu nghe tin có hãng hàng không mới ra đời, tôi mừng vì có thêm sư lựa chọn. Nhưng càng gần đây đi máy bay, tôi càng lo. Máy bay, hãng bay nhiều chỉ làm chúng tôi khổ hơn, vì nhà ga, sân bay không mở rộng, vẫn chật như hũ nút. Nghe nói sắp tới sẽ có tổng cộng 10 hãng bay, tôi choáng váng", anh Duy Truyền, một luật sư thường xuyên bay bực dọc nói.