Tự hào ẩm thực Việt!

26/12/2021 09:53

Kinhte&Xahoi Nhìn lại hai năm 2020 và 2021 thực sự là quãng thời gian có nhiều tin vui đến với nền ẩm thực Việt.

Món bánh mỳ Việt được tôn vinh tại New Zealand.

Năm 2020, bánh mỳ Việt được Google tôn vinh. Trong cùng năm, 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam được công nhận. Năm 2021, phở Việt Nam trên công cụ tìm kiếm 20 quốc gia. Bánh mỳ Việt trở thành “món ăn biểu tượng” ở thành phố lớn tại New Zealand...

Văn hóa Việt đã thực sự lan tỏa giá trị thông qua các món ăn Việt. Hay nói cách khác, ẩm thực Việt - yếu tố không thể thiếu để đưa văn hóa Việt vươn xa.

Không chỉ có người Việt mê phở, thích bánh mỳ

Từ năm 2018, ngày 12/12 hàng năm đã được chọn là ngày chính thức tôn vinh món phở Việt Nam, cũng như tôn vinh kho tàng ẩm thực được yêu mến và sự hòa quyện văn hóa Việt Nam mà nó đại diện.

Phở được coi là một trong những món ăn đặc trưng nhất của người Việt Nam. Người Việt có thể ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn cả phở tối. Món ăn đơn giản nhưng hội tụ nhiều đặc trưng của ẩm thực Việt cũng rất được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Không sai khi nói rằng phở là một đại diện cho ẩm thực Việt Nam.

Điều làm nên sự khác biệt của phở là một quá trình nấu ăn có công tâm để đạt được nhiều lớp hương vị và nước dùng trong. Từ các nguyên liệu như gừng rang, hạt thì là, hoa hồi và quế cho nước kho ninh nhừ, nước dùng làm nền cho hương thơm và vị của mọi khẩu vị.

Nguồn gốc chính xác của nó không được biết rõ, nhưng hầu hết các nhà sử học cho rằng phở ra đời ở tỉnh Nam Định vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Một số người tin rằng phở xuất phát từ món nhục phấn, một món ăn từ gạo có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng rất khác với phở. Những nghệ nhân Việt đã tự chế biến một món ăn từ gạo, thịt bò và các nguyên liệu khác như hành hoa cộng với cách phối hợp gia vị đặc trưng của người Việt để có được món phở như ngày nay.

Ngày 12/12/2021, khi truy cập trang chủ Google hoặc mở trình duyệt Chrome, người dùng Việt đã thấy hình ảnh Doodle cách điệu với hình ảnh của bát phở ở trung tâm cùng nhiều chi tiết đặc trưng khác của Việt Nam cũng như món phở. Doodle phở xuất hiện trên trang chủ của Google ở 20 quốc gia bao gồm Việt Nam, Anh, Mỹ, Canada, Israel, Áo…

Doodle phở với hình ảnh động mô tả cách món phở được chuẩn bị, với bánh phở trước tiên, thêm những lát thịt bò, hành tươi cùng rau thơm với nước dùng nóng hổi mời thực khách, cùng những nguyên liệu không thể thiếu như bánh quẩy, giấm ớt đặc trưng của phở Hà Nội, hay giá đỗ rau thơm của phở miền Nam được bày biện bắt mắt. Đại diện Google cho biết, đây không chỉ là tôn vinh và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc đến với công chúng Việt Nam và quốc tế, mà còn là một trong những hoạt động quảng bá và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch cho các doanh nghiệp kinh doanh phở.

Còn nhớ tháng 4/2019, Hội phụ nữ ASEAN (AWC) tổ chức Hội chợ Thực phẩm từ thiện ASEAN 2019 trong không gian của trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta nhằm tăng cường tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa phụ nữ các quốc gia và gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Các món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc trưng cho nhiều nền văn hóa đã được các quốc gia mang đến Hội chợ để giới thiệu với thực khách và bán với giá tượng trưng. Phở Việt Nam là một trong những món ăn thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các thực khách. Mặc dù Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã chuẩn bị số lượng nguyên liệu tương đối lớn để chế biến món ăn này, song chỉ khoảng 30 phút sau khi Hội chợ khai mạc, món phở của Việt Nam đã được bán hết trong sự nuối tiếc của nhiều thực khách.

Bên cạnh phở, bánh mỳ Việt Nam cũng là món ăn được ưa chuộng trên thế giới. Năm 2020, Google cũng đã tôn vinh ẩm thực Việt bằng Doodle bánh mì. Và đầu tháng 12 vừa rồi tại Auckland - thành phố lớn nhất New Zealand, bánh mỳ Việt đã nằm trong danh sách “100 món ăn biểu tượng” của thành phố.

Đầu bếp gốc Việt, anh Willie Nguyễn, rơi nước mắt vì sung sướng sau khi biết món bánh mỳ tại quán “Duck Duck Goose Eatery” của mình nằm trong danh sách “100 món ăn biểu tượng” của thành phố Auckland. Chị Yessika Lim, 31 tuổi, vợ anh Willie Nguyễn, cũng là đầu bếp của tiệm bánh, đã thử nghiệm hơn 50 lần mới đưa ra được công thức cho một chiếc bánh mỳ “ngon đến hoàn hảo”.

Món bánh mỳ của quán sử dụng loại bánh vỏ giòn và mỏng nhưng phần ruột mềm thơm, khác với loại bánh mỳ thông thường của Pháp. Nhân bánh khá phong phú, từ thịt lợn nướng tới thịt gà lá chanh ăn kèm rau thơm, đồ chua, ớt tươi, sốt... Không chỉ có món bánh mỳ được tôn vinh mà quán ăn của vị đầu bếp gốc Việt cũng nằm ở vị trí thứ 2 trong danh sách “Những quán ăn được mong đợi nhất tại Auckland”. Danh sách do gần 1.000 tín đồ mê ẩm thực ở Auckland đưa ra. Họ cũng là người chia sẻ các câu chuyện về những món ăn yêu thích trên khắp thế giới.

Ẩm thực Việt chắp cánh cho văn hóa Việt vươn xa

Phở, bún riêu cua, bún chả, cà phê trứng, gỏi cuốn... là những món ăn tuy dân dã nhưng đã làm say lòng hàng nghìn thực khách quốc tế khi đặt chân đến dải đất hình chữ S. Những món ăn này thường xuyên xuất hiện trên các bảng xếp hạng ẩm thực nước ngoài và nhận được nhiều lời khen ngợi từ các đầu bếp hàng đầu thế giới.

Quầy phở Việt Nam thu hút khách tại Hội chợ thực phẩm từ thiện ASEAN 2019.

Thời đại mở cửa cho phép người Việt Nam hiện nay tiếp cận với nhiều nền ẩm thực tên thế giới. Thế nhưng, trước tình hình “tấn công” ồ ạt của các luồng văn hóa ẩm thực bên ngoài, ẩm thực bản địa Việt Nam lại không hề yếu thế. Vị trí vững chắc của ẩm thực Việt Nam trong làn sóng toàn cầu hóa và pha trộn văn hóa nằm ở bí quyết đơn giản: vừa miệng và hài hòa. Khi so sánh với những nền ẩm thực nước ngoài, chúng ta mới thấy rõ được giá trị của cái hài hòa vừa phải trong món ăn Việt. Người Việt không dùng dầu mỡ nhiều, cũng không sử dụng những nguyên liệu quý hiếm như vi cá, bào ngư hay chuột bao tử. Ẩm thực Việt Nam chinh phục người ta bằng sự thanh đạm, vừa phải trong hương vị lẫn lượng dinh dưỡng từ các nguyên liệu.

Ưu điểm hài hòa của ẩm thực Việt còn đến từ tư tưởng truyền thống âm dương cân bằng. Với âm đại diện cho cái tối tăm, mềm mại, thụ động, còn dương là tươi sáng, cứng rắn, chủ động, triết lý này cho rằng mọi sự trên đời đều có âm có dương, và hai yếu tố đó luôn hòa quyện với nhau làm nên bản chất tồn tại của thế giới. Ăn uống cũng không nằm ngoài nguyên lý này. Một món ăn hay một mâm cơm của người Việt chứa đựng trong mình những giá trị triết học sâu sắc với âm dương và ngũ hành tương sinh – hai nguyên tắc kết hợp trong nấu nướng nhằm đạt đến vẻ đẹp hài hòa theo đúng tiêu chuẩn mỹ học của người Việt…

Không quá khi nói rằng, ẩm thực chính là sứ giả của công cuộc ngoại giao văn hóa. Tháng 9/2020, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) chính thức công nhận 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam dựa trên 5 hồ sơ đăng ký kỷ lục thế giới do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đề cử từ đầu năm 2020.

5 kỷ lục đó là: Việt Nam - Quốc gia sở hữu nhiều món ăn “sợi và nước dùng” nhất thế giới với 164 món và được cập nhật liên tục; Việt Nam - Quốc gia sở hữu nhiều loại Mắm nhất và các món ăn chế biến từ Mắm được ưa chuộng trên thế giới với 100 món; Việt Nam - Quốc gia sở hữu nhiều món ăn chế biến từ hoa nhất thế giới với 272 món làm từ 43 loài hoa khác nhau; Việt Nam - Đất nước sở hữu nhiều loại bánh cuốn nhất thế giới với 103 món; Việt Nam - Quốc gia sở hữu nhiều món ăn làm từ bột gạo nhất thế giới, 143 loại bánh.

Nhìn vào 5 kỷ lục này, có tất cả 782 món ăn được nhắc đến, và còn tiếp tục được cập nhật. Đó chính là 782 sứ giả văn hóa để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Người Việt lại một lần nữa tự hào với ẩm thực của mình bởi đó thực sự là một kho tàng tri thức, kinh nghiệm dân gian quý giá.

Nếu nhìn từ góc độ bảo tồn, thì đó chính là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, với những giá trị hết sức phong phú, đa dạng, xứng đáng được đưa vào danh sách cấp quốc gia hoặc quốc tế.

Hồng Minh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình Dương kịp thời tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh

Vừa qua, tại hội nghị gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp (DN), ngành hàng năm 2021, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định lãnh đạo tỉnh tiếp tục lắng nghe ý kiến, đề xuất của các hiệp hội ngành hàng, DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tu-hao-am-thuc-viet-d173511.html