Vừa qua, báo nhận được đơn kêu cứu của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, trú tại bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Trong đơn kêu cứu, bà Thủy trình bày, bà có quyền sử dụng hợp pháp khoảng 4ha đất tại núi Lũng Lào, thôn Minh Mợi, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Bà Thủy và gia đình chịu trách nhiệm chăm non rừng cây, canh tác trên đất theo đúng mục đích sử dụng của đất theo quy định đến nay.
Trước năm 2006, tuyến đường tỉnh lộ đoạn tại thôn Minh Lợi rẽ lên khu vực nhà điều hành của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ An Bình (nay là nhà điều hành của Công ty Cổ phần Khoáng sản kim loại màu Thành Phát) toàn bộ là đường mòn, đường tạm, chỉ đi được xe máy do người dân tự khai phá để đi lại phục vụ sản xuất, canh tác, tuyến đường này nằm trên đất gia đình bà.
Năm 2006, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ An Bình có thuê bà xây dựng nhà điều hành cho công ty tại khu vực Lũng Lào, do phải vận chuyển vật liệu lên để xây dựng công trình nên bà Thủy đã tự thuê máy xúc đến đào và mở rộng tuyến đường để vận chuyển vật liệu bằng ô tô lên khu vực làm nhà điều hành của Công ty An Bình.
Năm 2007, sau khi bà xây dựng xong khu nhà điều hành cho Công ty An Bình, bà có trồng khoảng 100 cây keo trên khu vực đất quanh nhà điều hành của công ty và thuê người trông nom, chăm sóc, bảo vệ đến nay.
Nội dung trình bày trên của bà Thủy được ông Bàn Văn Bình và ông Triệu Văn Thiên xác nhận hai nội dung là đúng sự thật về việc bà Thủy thuê người trồng cây và chăm sóc cây xung quanh nhà điều hành của công ty và nội dung bà Thủy làm đường lên khu vực nhà điều hành Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ An Bình tại UBND xã Trung Minh ngày 25/07/2018. UBND xã đề nghị Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ An Bình (Thành Phát) xem xét giải quyết các nội dung trong đơn bà Thủy theo đúng quy định của pháp luật.
Vậy nhưng, đầu tháng 7/2017, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ An Bình bắt đầu mang máy xúc vào khu vực đất của mỏ để tiến hành khai thác quặng. Trong khi đó, theo bà Thủy thì Công ty An Bình vẫn chưa hoàn thành bất cứ thỏa thuận nào về việc đền bù đất trong khu vực khai thác.
Tháng 6/1018, Công ty Thành Phát có thỏa thuận và nhờ bà giúp đỡ giải quyết các thủ tục liên quan đến đất tại mỏ chì kẽm và nhờ thỏa thuận để công ty có thể mua được 28 ha đất của ông Nguyễn Văn Hữu (mỏ chì, kẽm của Công ty Thành Phát phần lớn nằm trong địa phận của ông Hữu).
Bà Thủy cho biết: “Công ty có ký với tôi bản Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT-TT để cam kết việc sẽ cho tôi hưởng hoa hồng là 50.000đồng/tấn quặng chì, kẽm ngay sau khi công ty mua thành công 28 ha đất nhà ông Hữu và mỏ chì kẽm đi vào hoạt động. Nhưng từ đó đến nay, mặc dù công ty đã hoàn thành việc mua đất với nhà ông Hữu và đã tiến hành khai chì, kẽm tại khu vực mỏ từ rất lâu, đã có hàng trăm tấn quặng được chở ra từ khu vực mỏ nhưng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ khoản hoa hồng nào theo như cam kết, thay vào đó, công ty còn cho người đến nhà đe dọa tính mạng gia đình tôi. Công ty cũng chưa đền bù đất làm đường và chi phí làm đường cho gia đình tôi nhưng vẫn tự ý sử dụng trái phép”.
Không những thế, UBND huyện Yên Sơn còn ra quyết định về việc thu hồi đất trình xây dựng các hạng mục phục vụ khai thác quặng chì, kẽm khu vực Thành Cóc thuộc xã Trung Minh và xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn để ủng hộ cho các doanh nghiệp khai thác quặng chì, kẽm theo Quyết định số 160/QĐ-UBND ban hành vào ngày 08/05/2019 do Phó Chủ tịch Triệu Hồng Quang ký và đóng dấu. Quyết định này gặp phải sự phản đối của người dân.
Để hiểu rõ hơn về nội dung đơn thư, PV đã có cuộc trao đổi với ông Ma Thế Mạnh - Chủ tịch UBND xã Trung Minh, ông Mạnh cho biết: Công ty Thành Phát hiện nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng đối với người dân, chỉ có một số hộ dân đã được nhận đền bù nên chưa có mặt bằng sạch để khai thác nên chúng tôi cũng chưa rõ Công ty Thành Phát có đủ điều kiện để cấp phép khai thác hay không nhưng vẫn thấy hoạt động?
Theo KD&PL