Tuyển sinh đại học năm 2022: Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

25/03/2022 07:49

Kinhte&Xahoi Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021 và điều này nhận được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Tạo thuận lợi nhất cho học sinh trong bối cảnh học tập gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là chủ trương của ngành Giáo dục, giúp các thí sinh bớt áp lực, đồng thời bảo đảm chất lượng tuyển sinh “đầu vào” cho các cơ sở đào tạo.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều điều chỉnh có lợi

Năm 2021, cả nước có 1.021.117 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non. Kết quả, có gần 531.000 thí sinh trúng tuyển, đạt gần 93% so với chỉ tiêu. Đây cũng là năm có kết quả tuyển sinh cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh còn gặp khó khăn, như thời gian tuyển sinh kéo dài; một số trường phải điều chỉnh phương án, chỉ tiêu tuyển sinh, chưa dự báo chính xác số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học, dẫn đến tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu; khâu lọc ảo chưa đạt hiệu quả như mong muốn…

Để giải quyết những bất cập trong công tác tuyển sinh năm nay, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật. Điểm mới quan trọng nhất mà thí sinh cần lưu ý, thay vì đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non cùng với việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm, mùa thi này, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến từ sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tất cả nguyện vọng của thí sinh đều được lọc ảo chung trên hệ thống. Với cách thức đó, các cơ sở đào tạo hạn chế được tối đa số lượng thí sinh ảo, tạo thuận lợi để học sinh lựa chọn ngành mình yêu thích và sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên, trong bối cảnh dạy - học còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, chủ trương chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm nay có nhiều ý nghĩa với học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành và được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác tuyển sinh. Điều này không chỉ giảm vất vả cho nhà trường, học sinh trong việc in, chứng thực kết quả học tập, mà còn bảo đảm tính chính xác, khách quan và minh bạch.

Em Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: "Kế hoạch ôn luyện vào đại học năm nay của em không bị xáo trộn, bởi công tác tuyển sinh vẫn ổn định. Điều này giúp em yên tâm, tự tin khắc phục khó khăn do dịch bệnh để học tập tốt".

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhật Hồng

Bảo đảm tuyển sinh công bằng, chất lượng

Bên cạnh mục tiêu khắc phục những hạn chế của công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các cơ sở đào tạo phát huy quyền tự chủ, bảo đảm tuyển sinh công bằng, chất lượng.

Nếu như năm 2021 có khoảng 20 phương thức xét tuyển được các trường sử dụng, trong đó phương thức xét tuyển chính vẫn là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì năm nay, các trường vẫn có chung định hướng đa dạng phương thức, song giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), năm nay, trường dự kiến giảm tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn khoảng 10-15%, tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trương này đã được thông báo từ tháng 1-2022, giúp thí sinh chủ động, có thời gian chuẩn bị...

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản duy trì ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước, trong đó có việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị tổ chức. Từ nay đến tháng 7-2022, đơn vị dự kiến tổ chức khoảng 11 đợt thi đánh giá năng lực ở nhiều địa phương, vì vậy, thí sinh có nhiều cơ hội thử sức. Các em có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, trường.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung hoàn thiện để ban hành quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trong tháng 5-2022. Việc xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo cũng đang được khẩn trương triển khai.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, các trường cần bảo đảm công bằng cho thí sinh tham gia xét tuyển ở các phương thức khác nhau. “Với các phương thức tuyển sinh đang được sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh. Việc lựa chọn, đưa thêm phương thức hoặc tổ hợp tuyển sinh mới cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây lúng túng cho các em”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

 Thống Nhất - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đề xuất không cổ phần hóa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Chiều 24/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay đến Nga từ 25-3-2022

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo, trong thời gian xem xét, làm rõ các thủ tục, yêu cầu và quy định liên quan đến vấn đề bảo hiểm phương tiện và hoạt động khai thác bay đến Nga, hãng tạm dừng khai thác đường bay giữa Hà Nội - Mátxcơva từ ngày 25-3-2022 cho tới khi có thông báo mới.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Tuyen-sinh/1027805/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-tao-thuan-loi-toi-da-cho-thi-sinh