Vải thiều quay về với “sân nhà”

19/05/2020 16:05

Kinhte&Xahoi Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu (XK) vải thiều năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn do các thị trường truyền thống đóng cửa. Để tạo đầu ra cho sản phẩm vải thiều, bên cạnh việc tìm các thị trường XK mới Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Vải được mùa nhưng khó xuất khẩu

Từ ngày 1/5 vừa qua, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục lại thời gian thông quan bình thường tại cửa khẩu Tân Thanh, Pò Chài nhưng do năng lực thông quan tại những cửa khẩu này chưa trở lại bình thường khiến nhiều xe hàng nông sản Việt Nam trong đó có vải thiều ách tắc. Điều này đã khiến cho việc XK vải thiều vốn đã khó càng thêm khó.
Theo Chi nhánh Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc), năm 2020 diện tích trồng vải Trung Quốc đã tăng lên 533.000 ha, dự kiến tổng sản lượng đạt 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019.

 Tuần lễ vải thiều Bắc Giang 2019 tổ chức tại siêu thị Big C. Ảnh: Thu Hương

“Số liệu của Hiệp hội Vải thiều Quảng Đông, 99% vải tươi Trung Quốc bán trong nội địa, chỉ khoảng 1% XK. Như vậy, mùa vải năm 2020, quả vải Việt Nam XK vào Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, bởi Trung Quốc được mùa sẽ giảm nhập khẩu từ Việt Nam” - đại diện Thương vụ Việt Nam nói.

Không riêng XK vải vào Trung Quốc gặp khó mà nhiều thị trường XK vải thiều khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương Hải Dương và Bắc Giang trong đó nêu rõ: Từ mùa vải 2020, Nhật Bản đã đồng ý nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, hệ thống xử lý khử trùng vải tươi Việt Nam XK. Do vậy, "cửa" XK vải tươi Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gần như đã đóng trong vụ thu hoạch năm 2020.

Doanh nghiệp bán lẻ vào cuộc 

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu trong vụ thu hoạch vải 2020 không thể XK thì DN Việt Nam nên tập trung khai thác thị trường nội địa thông qua kết nối với các DN bán lẻ. Hiện nhiều hệ thống phân phối bán lẻ đang tích cực vào cuộc để hỗ trợ người dân tiêu thụ vải.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết: Bộ Công Thương đã vận động các DN bán lẻ hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ vải. Các tập đoàn, siêu thị lớn như: Tập đoàn Aeon, Central Group, Mega Market, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang) đã tham gia tiêu thụ vải cho tỉnh Bắc Giang. Trước mắt, ngoài tiêu thụ trong nước, các DN sẽ thu mua 1.000 tấn vải thiều để XK sang Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và các nước EU...

“Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ làm việc với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối nông sản Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số DN XK nông sản lớn khác để tiêu thụ vải thiều cho bà con 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương” - bà Nga chia sẻ.

Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam Nguyễn Thị Phương cho biết: Nhiều năm qua, Big C đã hỗ trợ 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tiêu thụ vải thiều. Năm nay, để đưa vải thiều tới người tiêu dùng, bên cạnh việc tổ chức Tuần lễ vải thiều, hệ thống siêu thị Big C toàn quốc cam kết hỗ trợ điểm bán hàng.

Tương tự trong tháng 6 - 7 tới, Saigon Co.op sẽ tổ chức chương trình "Lễ hội trái cây Việt" kết hợp bày bán vải thiều và các loại trái cây khác tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile… trên toàn quốc.

Việc các DN bán lẻ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ vải đã giúp người dân 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương giảm bớt nỗi lo về đầu ra, bởi thị trường trong nước với dân số khoảng 100 triệu người có sức tiêu thụ khá lớn, cùng với đó còn đẩy mạnh được chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 "Để hỗ trợ DN XK vải sang Trung Quốc, đơn vị đã cùng với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang kết nối với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (2 tỉnh tiêu thụ chính vải của Việt Nam). Hiện các bên liên quan đã liên lạc được với 190 thương nhân Trung Quốc và họ đã đồng ý sang Việt Nam cùng DN Việt Nam thu mua vải." - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điều chỉnh tăng trưởng là hợp lý

Do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ dự kiến điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế, trong đó có giảm mức tăng GDP để chủ động trong điều hành. Thấy gì từ sự điều chỉnh chỉ tiêu này?

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/vai-thieu-quay-ve-voi-san-nha-384648.html